The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Thuận: Cải cách Hành chính: Cải thiện các chỉ số phải gắn với phong trào thi đua

Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ tỉnh đến địa phương.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, công tác CCHC ở một số lĩnh vực, địa phương còn chậm, kết quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương và mong đợi của người dân.
Các chỉ số phát triển đều “tụt hạng”
Mặc dù thời gian qua, các cấp, các ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công vụ và chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước... Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt, nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính; triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích. Mặt khác, ý thức trách nhiệm phục vụ tổ chức, người dân trong giải quyết hồ sơ hành chính của một số công chức, viên chức chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế; vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn, nhất là trên lĩnh vực đất đai. Chính vì vậy, 3 năm qua (2018-2020), chỉ số phát triển của tỉnh gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); trừ Chỉ số PCI nằm trong nhóm trung bình của cả nước, thì các chỉ số còn lại đều “tụt hạng” so với năm trước, luôn nằm trong nhóm cuối của cả nước. Thậm chí Chỉ số SIPAS trong 2 năm (2019-2020), thứ hạng của tỉnh thấp nhất cả nước, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành.
Có thể thấy rõ, bên cạnh các yếu tố khách quan, một số hạn chế, tồn tại chủ quan chậm được khắc phục như: Bộ phận một cửa các cấp chưa có các bảng hướng dẫn các bước thực hiện thủ tục cụ thể, rõ ràng; các thiết bị tại Bộ phận một cửa khó sử dụng, không có hướng dẫn; trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả chưa gọn gàng. Mặt khác, việc công khai các thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; các thành phần thủ tục, mức phí chưa đầy đủ, rõ ràng; thành phần hồ sơ phải nộp và thời hạn giải quyết thủ tục hành chính chưa đúng quy định. Đáng chú ý hơn cả là công chức chưa lắng nghe, giải thích câu hỏi chưa đầy đủ, chưa hướng dẫn kê khai hồ sơ rõ ràng, dễ hiểu; chưa tận tình giúp đỡ người dân, doanh nghiệp. Kết quả giải quyết hồ sơ chưa phù hợp, chưa đầy đủ và chính xác thông tin, chưa đảm bảo tính công bằng… Đặc biệt, tiêu chí đánh giá về triển khai áp dụng sáng kiến hoặc giải pháp mới trong CCHC năm 2020 của tỉnh không đạt điểm vì chưa có sáng kiến, giải pháp mới hoặc mô hình áp dụng có hiệu quả trên các lĩnh vực công tác cải cách hành chính tại tỉnh.
Cần có giải pháp mang tính đột phá
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao thứ hạng các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS, PCI và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 76 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và Chỉ thị số 23 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Tháng 8/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác CCHC, tháng 9/2021, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Tỉnh ủy yêu cầu cần xem công tác CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác, theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC… để nâng cao thứ hạng các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Để cải thiện các chỉ số trên, tỉnh cần kịp thời có những biện pháp, giải pháp mang tính mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 76 của Chính phủ. Đây là một nhiệm vụ cấp bách, khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Do vậy, cần gắn mục tiêu cải thiện các chỉ số với phong trào thi đua yêu nước. Tuy nhiên, các phong trào thi đua yêu nước phải thiết thực, hiệu quả. Trong bài đăng báo Sự thật số 116, ngày 1/8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nêu một số khuyết điểm trong thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương như: “…Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương; Nơi đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi; Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được...”.
Chính vì vậy, phong trào thi đua yêu nước cần sát với thực tiễn địa phương và gắn chặt với từng nội dung CCHC mà tỉnh còn có điểm số thấp, cần cải thiện, tránh việc “đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi”. Đặc biệt, việc cải thiện chỉ số SIPAS phải được ưu tiên hàng đầu. Bởi, mục tiêu của CCHC là “xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân”, “lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước” và cũng để thực hiện lời Bác Hồ đã dạy “lấy dân làm gốc”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.