The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Thuận: Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2014 của tỉnh (PCI) ghi nhận những mặt đạt được và hạn chế

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của địa phương do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) khảo sát dựa trên 09 tiêu chí: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch thông tin; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của lãnh đạo; Hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý.

Theo kết quả công bố Chỉ số PCI năm 2014, Bình Thuận đạt 59,16 điểm xếp thứ 23/63 tỉnh, thành - giảm 01 bậc so với năm 2013 (năm 2013: 59,09 điểm, xếp thứ 22/63).

1. Có 7 tiêu chí cải thiện thứ hạng nhưng vẫn còn những mặt hạn chế:

a) Về chi phí gia nhập thị trường (Thứ 27/63, tăng 01 bậc):

Ở tiêu chí này qua khảo sát Doanh nghiệp cho thấy việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã đáp ứng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN): 85% DN qua khảo sát cho rằng công chức Bộ phận một cửa hướng dẫn đầy đủ các thủ tục; tuy nhiên bên cạnh đó DN vẫn còn cho rằng việc thực hiện thủ tục Đăng ký doanh nghiệp, cấp đổi chưa được rút ngắn; công chức Bộ phận một cửa của một số đơn vị chưa am hiểu để hướng dẫn thủ tục đầy đủ, rõ ràng. b) Về tiếp cận đất đai (Thứ 19/63, tăng 12 bậc): Qua khảo sát ở tiêu chí này, mặc dù có cải thiện về thứ hạng so với năm 2013; tuy nhiên, vẫn còn 16,3% DN cho rằng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do TTHC vẫn rườm rà, phức tạp; chỉ có 62,9% DN cho rằng sự thay đổi khung giá đất phù hợp với sự thay đổi giá thị trường.

c) Về tính minh bạch (Thứ 18, tăng 10 bậc):Doanh nghiệp cho rằng các tài liệu thông tin được công khai, minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thủ tục, tài liệu pháp lý; Cổng thông tin điện tử tỉnh đã được cải thiện hơn trong việc minh bạch, công khai thông tin; Tuy nhiên, bên cạnh đó chỉ có 40,21% DN đánh giá vai trò của các hiệp hội Doanh nghiệp của địa phương trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của tỉnh.

d) Chi phí không chính thức (Thứ 8/63, tăng 02 bậc):Ở tiêu chí này có cải thiện thứ hạng; tuy nhiên, vẫn còn 57,4% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến; 57,41%% DN cho rằng "Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến" (năm 2013 là 35,7%).

đ) Tính năng động (Thứ 10/63, tăng 01 bậc):Qua khảo sát các nội dung về sự linh hoạt của UBND tỉnh trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân; năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh; Cảm nhận của DN về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân; có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành, . . . Ở tất cả các nội dung khảo sát của tiêu chí này trong năm 2013 Bình Thuận có kết quả khá tốt, qua đó cải thiện đáng kể thứ hạng của tiêu chí này.

e) Hỗ trợ doanh nghiệp (Thứ 29, tăng 06 bậc): Nội dung đánh giá này dựa trên khảo sát về: DN sử dụng dịch vụ tư nhân tìm kiếm thông tin trên thị trường; dịch vụ tư vấn pháp luật; sử dụng dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh; khảo sát về ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh; ... Qua khảo sát cho thấy: Tỉ lệ DN sử dụng các dịch vụ để hỗ trợ DN còn thấp, mức độ hài lòng của DN đối các dịch vụ chưa cao (ở mức rất thấp so với trung bình chung của cả nước), một số nội dung khảo sát cho kết quả rất thấp như: Chỉ có 21,57% DN đã từng sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật.

g) Đào tạo lao động (Thứ 39, tăng 15 bậc): Tiêu chí này mặc dù có cải thiện thứ hạng, nhưng vẫn còn thấp. Theo đánh giá của DN thì các dịch vụ giáo dục lao động phổ thông; dịch vụ dạy nghề; giới thiệu việc làm; tỉ lệ tốt nghiệp đào tạo nghề, . . . thì phần lớn DN cho rằng chưa tốt, chất lượng thấp, không đạt yêu cầu; số DN đã sử dụng dịch vụ tuyển dụng và giới thiệu việc làm chỉ đạt 26,8%; tỉ lệ lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề đạt 5,88%...

2. Có 2 tiêu chí giảm thứ hạng:

a) Về chi phí thời gian (Thứ 23/63, giảm 11 bậc): Qua khảo sát, phần lớn DN cho rằng đội ngũ cán bộ, công chức làm việc hiệu quả hơn; trong thực hiện cải cách TTHC doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần; 90,6% cho rằng các khoản phí được công khai rộng rãi...; tuy nhiên, theo khảo sát thì chỉ có 43,97% DN cho rằng thủ tục giấy tờ đã đơn giản; thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (cấp mới, cấp bổ sung) ở địa phương chưa rút ngắn, vẫn còn một số doanh nghiệp phải chờ đợi hơn 03 tháng để hoàn tất các thủ tục để đi vào hoạt động (khảo sát 5,4%)...

b) Về Thiết chế pháp lý (Thứ 46/63, giảm 16 bậc): Nội dung đánh giá ở tiêu chí này dựa trên khảo sát đối với DN về hệ thống tư pháp có cơ chế để DN tố cáo tham nhũng; mức độ tin tưởng vào pháp luật để bảo vệ DN; mức độ xử lý nhanh chóng các vụ kiện của Tòa án; Các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ DN dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp, . . . Theo kết quả khảo sát, một số chỉ tiêu cụ thể còn thấp so với trung bình của cả nước, cụ thể: chỉ có 33% DN cho rằng hệ thống tư pháp cho phép tố cáo hành vi tham nhũng, có 52,33% DN đồng ý cho rằng Tòa án các cấp của tỉnh xử lý các vụ việc kinh tế nhanh chóng.

Kết quả đạt được ở một số nội dung tiêu chí thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm từng bước xóa bỏ rào cản và thực hiện các cơ chế, chính sách góp phần cải thiện môi trường đầu tư và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; công tác thanh tra, kiểm tra đối với Doanh nghiệp vẫn còn nặng về xử lý phạt, chưa thật sự chú trọng đến hướng dẫn, chấn chỉnh, nhắc nhở; tinh thần trách nhiệm, phối hợp và tính năng động của các Sở, ngành trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp chưa cao; thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, thời gian giải quyết hồ sơ còn chậm trễ; ý thức trách nhiệm và thái độ giao tiếp, ứng xử của một bộ phận công chức, viên chức trong giao dịch, giải quyết công việc chưa được doanh nghiệp hài lòng...

Để cải thiện môi trường đầu tư, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của tỉnh, ngày 08/7/2015 UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị nghe báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2014. Tại Hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận và chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới./.

Nguyễn Văn Dũng- Phó trưởng Phòng CCHC

Theo báo Sở nội vụ Bình Thuận ngày 23/07/2015