The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Thuận: Cú hích từ sân bay Phan Thiết

"Thủ phủ resort"...vắng bóng

Đã từ lâu, Phan Thiết được mệnh danh là "thủ phủ resort". Vùng đất giàu tiềm năng du lịch biển này đã khiến du khách trong ngoài nước chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Đặc biệt, suốt dọc tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu nối liền khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, các resort (khu du lịch nghĩ dưỡng), khách sạn, cửa hàng, quán ăn...mọc san sát lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp, đặc biệt là khách Nga. Những năm 2010-2011, nhiều doanh nghiệp ở Nha Trang vẫn còn phải vào Bình Thuận để học tập mô hình kinh doanh khu nghỉ dưỡng. Nhưng thời ấy đã xa rồi, dù thời điểm cuối năm đang là "mùa vụ" của vùng đất này. Những ngày nếu không phải cuối tuần, con đường dọc Hàm Tiến rất vắng. Những khu du lịch ở đây nhộn nhịp một chút vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ.

Đánh giá về thực trạng du lịch Bình Thuận, Tổng cục du lịch Việt Nam nhận xét, các loại hình du lịch của tỉnh chưa phong phú, đa dạng. Còn thiếu điểm vui chơi, giải trí và mua sắm hàng lưu niệm, kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là giao thông còn yếu kém và chưa đồng bộ... Trong những năm gần đây, doanh thu du lịch ở đây tăng chậm, còn nhiều dự án chưa đưa vào hoạt động. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 1,83 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng 9%; doanh thu du lịch đạt 3.185 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng khách quốc tế đang có chiều hướng sụt giảm. Trong khi đó, tại Nha Trang, mặc dù số lượng khách không cao bằng Bình Thuận nhưng mức độ tăng trưởng qua các năm lớn. Toàn tỉnh đã đón hơn 1,65 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 411.000 lượt, tăng gần 33%. Riêng số lượng du khách Nga tới đây tiếp tục tăng trưởng mạnh, hết tháng 5 đã có hơn 91.000 lượt, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, sau khi sân bay quốc tế Cam Ranh và Phú Quốc đi vào hoạt động, khách quốc tế lập tức chuyển hướng vào đây. Nhất là với thị trường khách Nga, các chuyến bay charter flight (thuê nguyên chuyến) đã đưa khách thẳng đến Nha Trang hoặc Phú Quốc thay vì Phan Thiết. Bởi sau hơn 10 tiếng bay thẳng, chỉ cần thêm vài chục phút, các "thượng đế" đã có thể nghỉ ngơi ở các khu resort thay vì mất thêm 5 giờ di chuyển từ TP HCM đến Mũi Né bằng đường bộ. Từ hai năm trở lại đây, lượng khách Nga đến đây giảm mạnh. Các khu nghỉ dưỡng luôn phải tìm mọi cách để kéo lại khách, đón nhiều khách đoàn để bù vào, nhưng doanh số vẫn không tăng, thậm chí còn thấp hơn trước.

Bảo bối!

Song, tin vui đã trở lại khi mà "vũ khí lợi hại" đã được tỉnh Bình Thuận tung ra khi kế hoạch xây dựng sân bay đã được Thủ tướng đồng thuận. Dự án sân bay Phan Thiết nhằm phục vụ hoạt động đi lại, du lịch với các chuyến bay nội địa hàng không dân dụng từ Phan Thiết đi Liên Khương, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa, Phù Cát, Rạch Giá. Ngoài ra, sân bay cũng phục vụ an ninh quốc phòng và cứu trợ nhân đạo.Theo đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết, có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Công ty cổ phần Rạng Đông và các cơ quan liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo hình thức BOT. UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của dự án bao gồm cả việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo hình thức BOT theo quy định.

Để nhanh chóng đưa sân bay sớm vào hoạt động, với kỳ vọng kéo du khách trở lại "thủ phủ resort", ngày 12/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc đã họp chuẩn bị Lễ khởi công sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp, dự kiến diễn ra vào ngày 18/1. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, hiện tại đã hoàn tất các thủ tục bồi thường, hỗ trợ công tác thu hồi đất với tổng số tiền trên 23.181 triệu đồng/328,88 ha (đạt 60,56% tổng diện tích đất phải thu hồi). Các đơn vị đã thực hiện rà phá bom mìn và dọn dẹp, san ủi, rải đá mi mặt bằng khu vực 02 ha làm lễ khởi công và khu vực liền kề.

Với việc Phan Thiết sắp có sân bay, bà Hoàng Thị Phong Thu - Chủ tịch Công ty du lịch Ánh Dương cho rằng, số lượng khách nước ngoài của công ty đến Nha Trang đã vươn lên dẫn đầu, vượt cả Mũi Né. Riêng Phú Quốc đang ngày càng thuận lợi hơn về đường biển cũng như đường hàng không trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Hiện công ty Ánh Dương đang đẩy mạnh dịch vụ charter flight, nên việc Phan Thiết có sân bay, đồng nghĩa những chuyến bay đối tác của công ty có thể chở du khách đến Bình Thuận.

Được biết năm 2014, tổng vốn đầu tư phát triển của Bình Thuận ước đạt 2.154,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA... Đây là nguồn lực quan trọng để đầu tư kết cấu hạ tầng cho tỉnh. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 41 dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 2.635 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 51,47 triệu USD. Để tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp.

Cụ thể, KCN Phan Thiết giai đoạn 2, Hàm Kiệm I, Sông Bình cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng. Riêng KCN Hàm Kiệm II cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn I (230 ha), đang triển khai thi công giai đoạn II. Năm qua, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút thêm 9 dự án. Đến nay, các KCN thu hút 47 dự án đầu tư, trong đó có 33 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn 3.207 tỷ đồng và 14 dự án FDI, với tổng vốn 125,9 triệu USD đầu tư. KCN Tuy Phong đã được khởi công và đang đầu tư xây dựng hạ tầng để đón các nhà đầu tư. Các cụm công nghiệp Thắng Hải 1 và 2 tiếp tục triển khai thi công kết cấu hạ tầng.

Bình Thuận cũng đã thực hiện hiệu quả giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến với tỉnh. Năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Thuận có sự bứt phá ngoạn mục, từ thứ hạng 47 lên thứ hạng 22, tăng 25 bậc. Điều này cho thấy nỗ lực của địa phương nhằm xóa bỏ rào cản, vướng mắc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện tốt môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.

"Trong tương lai gần, khi các tuyến đường giao thông trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 1A, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cùng Sân bay Phan Thiết được xây dựng sẽ tạo ra sức hút lớn với các nhà đầu tư. Chúng tôi hy vọng nhiều vào hiệu quả các nguồn đầu tư giúp kinh tế địa phương bứt tốc trong thời gian tới" – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương kỳ vọng.

Hữu Vinh

Theo Laodongthudo.vn ngày 13/01/2015