The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Thuận: “Cuộc đua” nâng cao những chỉ số

Sự siết chặt đó cho thấy việc nâng cao các chỉ số trong bối cảnh các tỉnh, thành khác cũng nỗ lực tiến là một cuộc đua khốc liệt để khẳng định vị thế. Ở góc độ cán bộ, công chức tại tỉnh, đó cũng là cuộc đua vượt lên chính mình để phục vụ nền hành chính công mạnh, điều quyết định cho sự phát triển của tỉnh.

Tín hiệu đúng hướng

Trong hàng loạt hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, có 1 hoạt động tưởng không liên quan nhưng lại quyết định đến sự phát triển của tỉnh là Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 với chủ đề: “Bình Thuận kết nối tiềm năng”. Theo nội dung đó, hội nghị được tổ chức để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao để mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm. Qua đó, tạo tiền đề cho việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào năm 2023 nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

pci.jpg.jpg
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân

Điều đáng nói, những cuộc gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp như này đã diễn ra hàng tháng trong năm 2021, ngoại trừ vài tháng không tổ chức vì dịch bệnh cản trở nhưng chỉ khác nội dung, là tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hay nói chính xác, đó là những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp. Chính kết quả này, cộng hưởng các tiến triển qua khắc phục các điểm chưa được trong triển khai PCI (chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) xuống cấp sở, ngành, địa phương cùng sự quyết liệt thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính cũng như cải thiện môi trường kinh doanh nên kết quả PCI 2021 của tỉnh (công bố tháng 4/2022) đã vươn lên vị trí 21/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm khá của cả nước. Nếu đặt kết quả đó trong 5 năm trở lại đây thì đây được xem là sự vượt trội nhất cùng với mức tăng cao nhất, được 13 bậc. Lùi lại năm 2018, năm khiến ai cũng nhớ, khi PCI Bình Thuận đã vươn lên vị trí 22/63 tỉnh, thành, lặp lại thứ bậc trên bảng xếp hạng PCI 2013 của tỉnh. Nhưng sang năm 2019, PCI Bình Thuận đã rớt 9 bậc, xếp ở vị trí 31/63. Rồi năm 2020, tiếp tục rớt 3 bậc, PCI Bình Thuận đứng thứ 34/63. Trên tình hình nhiều khó khăn của năm 2021, kết quả trên được ví như lội dòng nước ngược.

Khoảng 1 tháng sau, kết quả của Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021 mang thêm tin vui về tỉnh. Đó là Bình Thuận đã rời nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất, rời vị trí xếp thứ 53/63 tỉnh, thành của năm 2020, vượt 41 bậc để bước vào nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất nước, thuộc nhóm cao nhất nước. Nổi bật nhất là nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, một trong những nội dung quan trọng quyết định kết quả chỉ số PAPI, Bình Thuận được 7,4 điểm, trong khi điểm trung bình của cả nước là 6,84 điểm. Nhờ vậy, đã đưa tỉnh vào top 10 địa phương kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tốt nhất của cả nước.

Trong khi đó, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) chưa vươn lên nổi, khi lần lượt đứng ở vị trí 56/63 tỉnh, thành và 61/63 tỉnh, thành. Kết quả này không bất ngờ, vì vài năm trước, Bình Thuận đều ở nhóm thấp nhất. Lãnh đạo tỉnh có nỗ lực cải thiện nhưng có lẽ “thuốc không đúng bệnh” nên chưa đem lại kết quả khả quan. Và câu chuyện nâng cao các chỉ số trong năm 2021 qua Kế hoạch số 2992/KH-UBND của UBND tỉnh và Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành với những yêu cầu, giải pháp đặt ra đã kịp tác động tạo ra kết quả vượt trội của 2 chỉ số PCI, PAPI. Đó là tín hiệu cho thấy đã đúng hướng.

4 chỉ số và trách nhiệm

Tại buổi sơ kết Chỉ thị 11-CT/TU diễn ra vào tháng 7/2022, bên cạnh nêu những nỗ lực của các sở, ban ngành, địa phương tạo ra kết quả nổi bật của 2 chỉ số PCI, PAPI, cuộc họp cũng nêu đầy đủ nguyên nhân vì sao chưa thể nâng cao các chỉ số. Đáng chú ý, cuộc họp cũng vạch ra cụ thể những điểm yếu của các chỉ số thành phần trong 4 chỉ số cũng như quy trách nhiệm phải khắc phục của từng sở, ngành, địa phương. Ví dụ, tại chỉ số PAPI, có điểm yếu nhất là người dân chưa hài lòng khi gặp trưởng thôn, khu phố, cán bộ cấp xã, cán bộ đoàn thể và cán bộ HĐND xã để giải quyết khúc mắc của mình; người dân chưa hài lòng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền địa phương khiến Bình Thuận xếp từ thứ 47/63 đến thứ 56/63 và thuộc nhóm tỉnh, thành thấp nhất cả nước. Bên cạnh đó người dân chưa thật sự tin tưởng để sử dụng các biện pháp phi tòa án khi có tranh chấp dân sự, xếp thứ 56/63. Trách nhiệm của cơ quan theo dõi, khắc phục các điểm yếu trên thuộc về UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

pci-1.jpg.jpg
Bộ phận nhận và trả kết quả một cửa của xã Tân Hà, Đức Linh. Ảnh: Ngọc Lân

Hay tại chỉ số PCI, điểm yếu nhất là chỉ số về chi phí gia nhập thị trường, Bình Thuận xếp thứ 62/63 tỉnh, thành. Các doanh nghiệp cho rằng gia nhập thị trường, nhất là thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kinh doanh có điều kiện... tại tỉnh chưa được cải thiện, thể hiện qua thời gian thực tế giải quyết thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp chưa được rút ngắn (số ngày trung vị của tỉnh là 7 ngày so với 5 ngày của cả nước); có 10% doanh nghiệp cho rằng phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành các thủ tục để chính thức hoạt động (trung vị của cả nước là 0%)… Trách nhiệm của cơ quan theo dõi, khắc phục là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Còn ở Chỉ số Par Index, điểm yếu nhất là chỉ số về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bình Thuận xếp thứ 60/63 tỉnh, thành. Tiếp đến là Chỉ số về xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, Bình Thuận xếp thứ 55/63. Trách nhiệm của cơ quan theo dõi, khắc phục là Sở Nội vụ và Sở Tư pháp.

Cuối cùng, Chỉ số SIPAS, các hạn chế tìm thấy qua khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp đánh giá về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh như mức độ hài lòng về tiếp cận dịch vụ, về tổ chức giải quyết TTHC… đều đạt tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ trung bình cả nước. Trách nhiệm của cơ quan theo dõi, khắc phục là các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

Sự siết chặt trên cho thấy việc nâng cao các chỉ số trong bối cảnh các tỉnh, thành khác cũng nỗ lực tiến là một cuộc đua khốc liệt để khẳng định vị thế. Ở góc độ cán bộ, công chức tại tỉnh, đó cũng là cuộc đua vượt lên chính mình để phục vụ nền hành chính công mạnh, điều quyết định cho sự phát triển của tỉnh.

Theo Báo Bình Thuận