Bình Thuận: Khắc phục điểm yếu trong PCI
Chuyển biến tích cực
Theo bảng xếp hạng PCI năm 2014 do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố: Bình Thuận xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy giảm 1 bậc so năm trước đó, nhưng điểm trung vị vẫn tăng liên tiếp trong thời gian gần đây với 59,16 điểm so năm 2012 là 54,08 điểm và năm 2013 đạt 59,09 điểm. Thứ hạng của Bình Thuận hiện cũng cao hơn một số tỉnh ở khu vực như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Ninh Thuận...
Giữ được kết quả nêu trên, trong năm qua Bình Thuận luôn thể hiện nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, triển khai khá tốt cơ chế "một cửa" cũng như "một cửa liên thông". Không những góp phần giảm bớt chi phí gia nhập thị trường, mà còn tạo sự cạnh tranh và phát triển bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chất lượng ở một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã có chuyển biến rõ nét, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp được thực hiện công khai, minh bạch hơn. Thêm nữa là hệ thống pháp luật, thiết chế pháp lý ngày càng hoàn thiện, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh đối với khu vực kinh tế tư nhân luôn nhận được sự đánh giá cao từ doanh nghiệp.
PCI năm 2014 cũng ghi nhận Bình Thuận có 5 tiêu chí thành phần tăng điểm và 6 tiêu chí tăng bậc, đồng thời đánh giá 8/10 tiêu chí có điểm cao hơn điểm trung bình cả nước. Trong số này, "Chi phí không chính thức" là chỉ số cải thiện tốt nhất và tăng liên tục 32 bậc trong vòng 3 năm gần đây, hiện nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có chi phí không chính thức thấp nhất cả nước. Trong khi đó, chỉ số "Cạnh tranh bình đẳng" cũng nằm trong nhóm 10 địa phương đứng đầu cả nước có môi trường cạnh tranh bình đẳng tốt nhất, xếp trên cả TP. HCM, Hà Nội...
Nhưng còn điểm yếu
Điểm yếu trong PCI năm 2014 của Bình Thuận phản ánh qua sự tinh thông về nghiệp vụ, thái độ ứng xử của một bộ phận cán bộ "một cửa" và cán bộ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp chưa cao. Mặt khác, công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp còn nặng về xử phạt, chưa thực sự đồng hành cũng như chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, việc tiếp cận đất đai vẫn gặp khó trong đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng...
Dẫn chứng là chỉ số "Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước" giảm 11 bậc so năm trước đó, dù có đến 80% doanh nghiệp cho rằng cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả hơn. Nhưng ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòng về sự tinh thông nghiệp vụ của bộ phận "một cửa" vẫn còn cao, có 69% ý kiến phàn nàn phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký... Còn với chỉ số "Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất", năm qua ghi nhận Bình Thuận tăng 12 bậc nhưng vẫn còn 23% doanh nghiệp nhận xét thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn rườm rà. Thực tế nhiều trường hợp nhà đầu tư phải chờ quy hoạch chi tiết hoặc chờ điều chỉnh quy hoạch nên gây khó khăn trở ngại, tốn kém thời gian lẫn chi phí, có những dự án chủ đầu tư không thể thỏa thuận được với người dân trong đền bù giải tỏa. Hay như tiêu chí "Đào tạo lao động", dù đây là lần đầu tiên vượt trên điểm trung bình song hiện tại, Bình Thuận vẫn nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng nguồn nhân lực trung bình thấp của cả nước...
Tại hội nghị đánh giá PCI năm 2014, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương đề nghị các cấp ngành, địa phương trong tỉnh phải nhìn lại mình để phấn đấu vươn lên. Đặc biệt là về những cảm nhận chưa tốt của doanh nghiệp, xem đó là mặt hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động. Phấn đấu tập trung trong thời gian nửa cuối năm nay, nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện đáng kể Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 của Bình Thuận.
Chỉ số PCI là cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư cấp tỉnh - nơi doanh nghiệp đang hoạt động, từ đó phản ánh chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, PCI năm 2014 đã sử dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng ngẫu nhiên, được thực hiện dựa trên điều tra cảm nhận của 9.859 doanh nghiệp trong nước và 1.491 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Dù vậy, kết quả điều tra doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ để nghiên cứu, không đưa vào tính toán trong chỉ số PCI năm 2014...
Theo Báo Bình Thuận ngày 13/07/2015