The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Thuận: Phấn đấu đưa Chỉ số PCI năm 2023 tăng 12 bậc

Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố thường niên đã trở thành một công cụ hữu ích để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương dưới góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân. Nhiều tỉnh, thành phố đang sử dụng kết quả điều tra PCI như một nguồn thông tin tham khảo cần thiết để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Việc tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn

Kết quả điều tra PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI của tỉnh Bình Thuận năm 2022 đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 21 bậc, đạt 64,39 điểm, giảm 1,57 điểm so năm 2021. Trong 10 tiêu chí Chỉ số PCI, Bình Thuận có 4/10 tiêu chí vừa giảm điểm, giảm bậc tương đối lớn so với năm 2021, đó là: Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và 1/10 tiêu chí tăng điểm nhưng giảm bậc là: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Điều đó cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn nhiều hạn chế cần phải nỗ lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong năm 2023. Chỉ số PCI tỉnh Bình Thuận năm 2022 được thực hiện dựa trên điều tra cảm nhận của 123 trên 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 91 doanh nghiệp tư nhân trong nước, 30 doanh nghiệp thành lập mới và 2 doanh nghiệp FDI. Những tồn tại hạn chế đã tác động đến việc Chỉ số PCI Bình Thuận xuống hạng trong năm 2022 được đánh giá là: một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp còn để kéo dài. Sự chậm trễ, phiền hà trong thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai còn phổ biến. Việc tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, cụ thể là việc xây dựng, điều chỉnh các loại quy hoạch còn kéo dài, mặt khác, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư. Ngoài ra, tính thông tin minh bạch nhiều loại thông tin, tài liệu vẫn chưa đạt yêu cầu, việc đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa được giải quyết kịp thời…

pci.jpg

Tiếp tục nâng cao chỉ số PCI

Để cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh, với mục tiêu xuyên suốt là “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành, nhất là cải thiện các chỉ số vừa giảm điểm, giảm bậc và thấp hơn điểm trung vị cả nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, phấn đấu năm 2023 và những năm tiếp theo xếp hạng chỉ số PCI và PGI của tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 30 của cả nước. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số Xanh (PGI) tỉnh Bình Thuận năm 2023. Mục tiêu đặt ra là sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các sở, ngành, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số PCI, Chỉ số PGI và trách nhiệm trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI, PGI của tỉnh, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp. Nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành nhằm mục đích cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vì sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế - xã hội địa phương. Triển khai kịp thời các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI hàng năm, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp cải thiện rõ hơn môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhất là tập trung cải thiện tăng điểm, tăng bậc đối với 4 chỉ số vừa giảm điểm, giảm bậc và 1 chỉ số tăng điểm nhưng giảm bậc trong năm 2022. Phấn đấu đưa Chỉ số PCI Bình Thuận năm 2023 tăng 12 bậc, nằm trong nhóm 30 của cả nước. Bên cạnh đó cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, tăng số lượng doanh nghiệp đi vào hoạt động, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, trong đó tiếp tục phấn đấu cải thiện các Chỉ số tăng điểm, tăng bậc trong năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả, đồng bộ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả thông qua việc rà soát, tăng số lượng thủ tục hành chính, giải quyết trực tuyến để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, hạn chế để người dân và doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cơ quan Nhà nước, góp phần loại bỏ chi phí không chính thức, ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt…

Theo Báo Bình Thuận