The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Thuận: Xây dựng cấu trúc chuyển đổi số “Tổng thể - liên thông – đồng bộ”

Đến thời điểm này, tại Bình Thuận chuyển đổi số ở cả 3 lĩnh vực Chính quyền số - Kinh tế số và Xã hội số đã có nhiều bước phát triển nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng. Thế nhưng để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 10 ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy khóa XIV về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định thì Bình Thuận cần chủ động tính toán, xây dựng 1 cấu trúc chuyển đổi số “tổng thể - liên thông - đồng bộ”.

Tập trung chuyển đổi số toàn diện

Thành phố Phan Thiết đã và đang chú trọng xây dựng thành phố thông minh bền vững, hướng trọng tâm đến người dân và doanh nghiệp. Một minh chứng cho xu hướng này là ứng dụng “Phan Thiết S” của phân hệ “Phản ánh hiện trường”, 1 trong 9 phân hệ của Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh (IOC). Chỉ cần cài đặt trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng cùng với vài thao tác đơn giản đã được định dạng trên hệ thống, là người dân có thể dễ dàng phản ánh những nguyện vọng, kiến nghị của mình đến các ngành chức năng. Cách làm trên đã góp phần tích cực giải quyết nhiều vấn đề xã hội của địa phương trong các lĩnh vực giao thông, trật tự đô thị, môi trường, y tế, giáo dục…

z5179027346220_b5266ae75597cceffaaea590db00b32b-1-.jpg

Theo lãnh đạo TP. Phan Thiết, thông qua phòng điều hành của IOC Phan Thiết, chính quyền thành phố có thể giám sát toàn bộ hoạt động của địa phương bằng hệ thống 6 camera tầm cao và hệ thống camera an ninh tại 18 xã/phường. Đây được coi là bước đi đầu tiên của Phan Thiết trong việc cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Mang lại sự tiện lợi trong quản lý, điều hành, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường điện tử.

Trong lĩnh vực Du lịch, ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, thời gian qua Sở đã chủ động tham mưu triển khai nhiều nội dung về chuyển đổi số. Điển hình như, triển khai số hóa các điểm tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi bật, các cơ sở mua sắm, ăn uống, lưu trú, lữ hành, các chương trình tham quan du lịch… tích hợp trên Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với Viettel Bình Thuận xây dựng, vận hành thử nghiệm Sàn thương mại du lịch điện tử với nhiều tính năng giới thiệu, quảng bá, mua bán, giao dịch sản phẩm dịch vụ du lịch trực tuyến, tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch trực tuyến, xây dựng các chương trình tham quan du lịch trực tuyến… Sàn thương mại du lịch điện tử đã thu hút sự tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm của hơn 50 doanh nghiệp du lịch trong tỉnh, đã tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và hàng ngàn lượt khách truy cập, tham quan.

Đến đầu năm 2024, việc triển khai thực hiện Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có 5 chỉ tiêu hoàn thành, đạt và vượt so với Nghị quyết số 10 đề ra. Gồm 2 chỉ tiêu của trụ cột Phát triển Chính quyền số là: Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý qua môi trường mạng; Chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo được thực hiện qua hệ thống thông tin báo cáo của UBND tỉnh và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. 3 chỉ tiêu còn lại thuộc về trụ cột Phát triển Xã hội số là: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đã phủ đến 92% hộ gia đình, trường học, bệnh viện; Tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G đạt 100%, 5G đã triển khai tại 7 điểm của TP. Phan Thiết; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 67%. Ngoài ra, có 4 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành trong năm 2024 là: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của Pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Tỷ lệ dân số có danh tính số; Tỷ lệ người dân từ 14 tuổi trở lên có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản. Và tỷ lệ năng suất lao động tăng thêm hàng năm.

Chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Hiện nay, huyện Đức Linh đã thực hiện toàn diện, đồng bộ mô hình hướng dẫn người dân gửi hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trên địa bàn huyện đang thực hiện 335 thủ tục hành chính công đạt mức độ 3 trở lên. Theo lãnh đạo UBND huyện, việc sử dụng hình thức nộp hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, giảm áp lực giấy tờ, công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, chuyển đổi số là lĩnh vực mới nên việc triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Đức Linh còn gặp những khó khăn, vướng mắc, như: Thực trạng hạ tầng kỹ thuật và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở các xã, thị trấn còn nhiều hạn chế về kỹ thuật và con người ảnh hưởng đến việc trao đổi thông tin trên mạng diện rộng. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; người dân vẫn còn thói quen làm trực tiếp; trình độ tiếp cận công nghệ chưa cao. Tổ công nghệ số cộng đồng vẫn chưa phát huy vai trò trong việc triển khai hướng dẫn các nội dung chuyển đổi số đến người dân...

Trong khi đó, ông Đỗ Thái Dương - Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, mặc dù đã triển khai các ứng dụng nền tảng số để góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS cấp tỉnh; tuy nhiên hiện nay tiến độ triển khai việc thực hiện số hóa các giấy tờ, kết quả giải quyết hồ sơ hành chính trên địa bàn tỉnh còn chậm; một số cơ sở dữ liệu liên quan thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp như đất đai, cơ sở dữ liệu về dân cư chưa được kết nối sử dụng, khai thác có hiệu quả; chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp còn hạn chế, mức độ sử dụng của người dân, doanh nghiệp chưa nhiều…

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy khóa XIV về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi tư duy số nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về tính cấp thiết của chuyển đổi số, đặc biệt là phải tiếp tục vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ định hướng của địa phương trong việc tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu. Quan tâm cải thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, nền tảng số ở các cấp, ngành, đảm bảo tính chất “Tổng thể - liên thông - đồng bộ”.

“Đối với hạ tầng số, rồi các ứng dụng chuyển đổi số, chúng ta phải đầu tư. Chứ lâu nay chúng ta thường quan tâm đầu tư một công trình mà được xây dựng hiện hữu, chẳng hạn như là một bệnh viện, một trường học, một trụ sở cơ quan… nhưng đầu tư cho lĩnh vực số hóa, chuyển đổi số thì tỷ lệ này vẫn còn thấp. Trong thời gian tới, chúng ta phải tính toán cho phù hợp để phân bổ nguồn lực, trong đó có ngân sách, kể cả của tỉnh, của các địa phương nhằm thực hiện việc chuyển đổi số đảm bảo hiệu quả”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng cho rằng cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ, của tỉnh để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. Phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số.

Đối với nhân dân, phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn giúp cho nhân dân thực hiện và quen dần với các hoạt động chuyển đổi số, nhất là các hoạt động liên quan đến thủ tục hành chính, đến với thương mại điện tử… để giúp cho người dân cùng doanh nghiệp và chính quyền thực hiện chuyển đổi số.