The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Thuận: Xây dựng đội ngũ cán bộ cải cách hành chính “5T”, “5K”

Năm 2022 dự báo là một năm đầy thử thách trong phát triển kinh tế - xã hội đối với Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thống nhất đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 là trên 7%. Để đạt mục tiêu đề ra, cải cách hành chính được coi là một trong những giải pháp quan trọng.
“Tắc trách” trong triển khai chính sách
Bình Thuận đã đi qua năm 2021 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới với sự bùng phát của dịch Covid-19 lần thứ 4 lây lan nhanh, diễn biến phức tạp. Nhưng “gian nan thử sức”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã đoàn kết, đồng lòng, hành động quyết liệt để chung tay chiến thắng đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, qua đó cũng làm lộ nhiều hạn chế và khuyết điểm. Đáng chú ý là các chỉ số phát triển của tỉnh gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đều có xu hướng năm sau giảm thứ hạng hơn so với năm trước, và luôn nằm ở vị trí cuối của cả nước (trừ Chỉ số PCI nằm trong nhóm trung bình của cả nước). Thậm chí, chỉ số SIPAS trong 2 năm gần đây, thứ hạng của tỉnh thấp nhất cả nước, đứng thứ 63/63 tỉnh, thành. Kết quả này thể hiện qua đánh giá khách quan của các cơ quan Trung ương, của doanh nghiệp và nhân dân. Vừa qua, các cuộc họp của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các chỉ số phát triển của tỉnh ngày càng tụt hạng không phải do nắng hạn hay điểm nghẽn giao thông mà chính là những “tắc trách” trong triển khai chính sách, pháp luật, thuộc về yếu tố chủ quan từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kể cả ở cấp tỉnh.
Có thể khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển thì cải cách hành chính được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cán bộ, công chức là một “mắt xích” quan trọng, không thể thiếu của nền hành chính nhà nước, là chủ thể quan trọng trong quá trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, vô cảm, tư lợi gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều thủ tục hành chính chậm trễ, ách tắc, khiến người dân, doanh nghiệp phiền lòng.
Thông điệp “5T”, “5K”
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo nên sự bứt phá trong công tác CCHC, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh. Khẩu hiệu thi đua là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân”. Với mục tiêu phấn đấu hàng năm cải thiện điểm số, thứ hạng Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI của tỉnh, đến năm 2025: Chỉ số PAR Index nằm trong top 20 tỉnh, thành theo xếp hạng của Trung ương; Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS nằm trong top 30 tỉnh, thành theo xếp hạng của Trung ương và các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa và tầm quan trọng của cải cách hành chính trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thi đua thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, kế hoạch hàng năm và giai đoạn của UBND tỉnh. Đồng thời, thi đua thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS trên địa bàn tỉnh năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện tốt các tiêu chí trong Bộ chỉ số theo dõi đánh giá, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh do Trung ương, tỉnh quy định. Đáng chú ý là các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương sẽ thi đua trong việc đề xuất các sáng kiến, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Qua đó, tạo sự chuyển biến có tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao sự hài lòng của tổ chức và cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ hành chính, cải thiện các Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS, PCI, DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương) trên địa bàn tỉnh, với nội dung thông điệp “5T”, “5K”.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế, nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể; phấn đấu hoàn thành tốt các nội dung tiêu chí thi đua đề ra. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh.