The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bộ Công Thương báo cáo về Thông tư 20

Bộ Công Thương vừa chính thức có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT.

Bộ Công Thương thừa nhận Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô có nhiều bất cập và cần được bãi bỏ.

Bộ Công Thương thừa nhận, mặc dù Thông tư 20 không trái luật, nhưng chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông.

Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác. Không những thế, Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước.

Vì vậy, để thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất.

Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ GTVT, không phải Bộ Công Thương và quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu.

Một điểm bất cập nữa được nêu trong báo cáo của Bộ Công Thương là, Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, v.v...

Theo phản ánh của báo chí, đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20. Các tiêu cực dạng này không thể khắc phục được bằng Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng, chỉ có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các quy định trong nước mà cụ thể là tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện.

Với các phân tích trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đồng ý với việc bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ GTVT ban hành chính thức có hiệu lực.

Đồng thời, giao Bộ Công Thương, căn cứ các quy định của pháp luật cạnh tranh, giám sát hoạt động nhập khẩu, phân phối ô tô tại Việt Nam để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, Bộ này cũng đề nghị không rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Thời gian qua, Thông tư 20 đã gây ra những tranh cãi khá gay gắt với quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống mới nguyên chiếc phải có giấy uỷ quyền chính hãng của nhà sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng.

Trong khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) và các hãng xe cho rằng Thông tư 20 là cần thiết, thì các nhà nhập khẩu không chính hãng cùng hàng loạt các cơ quan như Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp, VCCI, Tổng cục Hải quan đều cho rằng cần bãi bỏ Thông tư này, với lý do Thông tư tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho các doanh nghiệp lớn.

Phan Trang

Báo Chính phủ