The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bộ Công Thương muốn bãi bỏ gần 35% thủ tục DKKD: Chốt “tối hậu thư” với các đơn vị

Kết quả báo cáo của VCCI và Cicem cho thấy, các thủ tục đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của Bộ Công Thương lên tới 1.216 thủ tục, tạo sự chồng chéo, rườm rà, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo yêu cầu khẩn trương rà soát các điều kiện kinh doanh, thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết.

Kinh doanh khí gas là một trong những lĩnh vực bị đòi hỏi ĐKKD rất gắt gao, gây khó cho nhiều DN nhỏ. Ảnh: A.C

Tín hiệu tích cực: Bộ trưởng ra “tối hậu thư”

Mới đây tại cuộc họp đánh giá về kết quả khảo sát điều kiện kinh doanh giữa Bộ Công Thương với Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo yêu cầu khẩn trương rà soát các điều kiện kinh doanh, thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết.

Cho tới ngày 14.9, các đơn vị trực thuộc phải gửi báo cáo tổng hợp kế hoạch cải cách hành chính để Bộ trưởng xem xét và có các quyết định cắt giảm cụ thể. Như vậy là “tối hậu thư” đã được đưa ra, đích thân Bộ trưởng trực tiếp chỉ huy. Nhưng với số lượng thủ tục “khổng lồ” như vậy, trong ngày mai các đơn vị trực thuộc phải báo cáo kết quả rà soát và tổng hợp để thực hiện, liệu có kịp hay không khi mà vốn dĩ xưa nay các bộ ngành khi tạo ra các thủ tục hành chính đều có lý riêng của mình?

Báo cáo gần đây của Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2016, Bộ đã thực hiện bãi bỏ 3 điều kiện đầu tư kinh doanh liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất. Ngày 9.12.2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017, theo đó số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương đang và sẽ được bãi bỏ là 27 điều kiện. Nhưng tới nay, sau 9 tháng, kết quả vẫn là “sẽ bãi bỏ”.

Trong năm 2017, Bộ đã chủ động rà soát trình Chính phủ 8 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các điều kiện thuộc nhóm điều kiện đầu tư kinh doanh như Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí, Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về xuất khẩu gạo, Nghị định thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics v.v...

Theo dự thảo các Nghị định sẽ bãi bỏ 75 điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó bãi bỏ các ĐKKD có liên quan tới Luật Hóa chất theo hướng tiếp cận Luật Đầu tư (23 điều kiện); kinh doanh thuốc lá (4 điều kiện); kinh doanh khí (19 điều kiện); kinh doanh dịch vụ logistics (bãi bỏ 1 và sửa đổi 1); kinh doanh rượu (27 điều kiện). Hầu hết các dự thảo Nghị định trên đều đã được trình Chính phủ ký ban hành. Chỉ có dự thảo Nghị định về kinh doanh khí hiện mới được gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.

Nếu các kế hoạch, phương án cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được thực hiện đúng theo đề xuất thì kết quả dự kiến Bộ Công Thương “sẽ cắt giảm, loại bỏ khỏi hệ thống ĐKKD 425/1220 điều kiện, bằng 34,83% tổng số điều kiện (của 7/28 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) theo thống kê của VCCI” - Báo cáo trên cho biết.

“Đập đi xây mới” và chỉ đạo phải tới hành động

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở một mình Bộ Công Thương, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế (Cicem) - cho rằng: “Các ĐKKD được đưa ra nếu có đạt được mục tiêu quản lý nhà nước thì cũng đắt đỏ quá mức cần thiết. Ở một khía cạnh khác, tiêu cực hơn có thể nói không đạt được mục tiêu quản lý nhà nước một cách hiệu quả. Nhiều căn cứ cho thấy nhiều ĐKKD đang can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách không cần thiết.

Hàng nghìn ĐKKD bị biến tướng thành các dạng ĐKKD cấp thấp hơn, ở dạng gián tiếp một cách khó nhận biết. Lấy ví dụ như: Nghĩa vụ báo cáo, thông báo của doanh nghiệp. Từ đó, ông Hiếu cho rằng cách tốt nhất là thay đổi tổng thể, tức là rà soát toàn bộ, xây dựng một bộ cơ chế ĐKKD mới, hoàn toàn giải quyết được vấn đề.

Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, kết quả nghiên cứu sản phẩm của một quá trình “Số liệu tại Bộ Công Thương chỉ là một phần trong tổng thể kết quả nghiên cứu của VCCI (ngoài Bộ Công Thương, VCCI còn nghiên cứu tại Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT - PV).

Tuy nhiên, con số 1.216 thủ tục ĐKKD không có gì bất ngờ bởi do chức năng nhiệm vụ Bộ Công Thương là một bộ đa ngành, liên quan tới doanh nghiệp nhiều nhất. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - ông Phạm Ngọc Huy dù bày tỏ niềm tin khi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ra “tối hậu thư” buộc các đơn vị trực thuộc phải tích cực rà soát và báo cáo, song vẫn canh cánh nỗi lo: “Các doanh nghiệp rất mong muốn được thực hiện theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2015.

Bởi việc tiếp tục duy trì các ĐKKD không cần thiết đã khiến các doanh nghiệp mất nhiều thời gian và thủ tục, tạo nhiều điều kiện cho tiêu cực xảy ra. Việc này càng thay đổi sớm càng tốt. Nếu không thay đổi thì chính bản thân doanh nghiệp cũng không có động lực để phát triển. Nhưng đó chỉ là chỉ đạo. Con đường từ chỉ đạo tới thực hiện có lẽ còn rất dài. Hy vọng Bộ trưởng sẽ làm kiên quyết, xử lý dứt điểm. Doanh nghiệp chỉ biết đặt niềm tin thôi” - ông Huy nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác khi được trao đổi về vấn đề này cũng cho rằng, việc Bộ Công Thương chủ động yêu cầu đơn vị trực thuộc rà soát cắt giảm là tín hiệu rất tốt, là bộ đầu tiên dám thực hiện việc này. Song thực tế còn rất nhiều khó khăn, bởi phải có được sự đồng thuận từ các đơn vị thành viên trong bộ.

Nhưng chắc chắn các vụ, cục thành viên muốn giữ lại vì ĐKKD dày đặc tạo nên cơ chế xin cho. Với cơ chế quản lý như hiện tại sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Muốn giải quyết triệt để, Chính phủ cần xem xét, vạch mặt chỉ tên từng thủ tục cụ thể để ra chỉ thị, yêu cầu các bộ ngành phải dỡ bỏ theo lộ trình, chứ để các bộ rà soát thì hằng năm nữa cũng không giải quyết được”.

ĐỨC THÀNH