Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ hàng loạt quy định gây khó doanh nghiệp?
Tại một cuộc họp với lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan của Bộ Công Thương chiều ngày 23/08, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ đang tiến hành rà soát, lấy ý kiến các đơn vị, chức năng để kiến nghị Chính phủ bãi bỏ một loạt quy định áp đặt thị trường đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chiều 23/8, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã làm việc với người đứng đầu các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị có liên quan để lắng nghe báo cáo việc rà soát các quy định hiện hành, những vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận, cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Theo đó, trong thời gian trước mắt, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ những vướng mắc tại nghị định 19 cho doanh nghiệp kinh doanh khí; cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất, nhập khẩu ôtô theo thông tư 20; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Dệt may tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại thông tư 37…
Hiện nay, Vụ Pháp chế đang tập hợp ý kiến, xây dựng, chỉnh sửa để có thể ban hành dự thảo sớm nhất, dự kiến ngay trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
"Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục rà soát kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệnh méo mó thị trường. Đồng thời sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm sự cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục tiến tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi tối cao cho người tiêu dùng", nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết.
Cụ thể, với việc điều chỉnh thông tư 37 về việc kiểm tra chất formaldehyde trong hàng dệt may, hiện Hiệp hội dệt may và một số doanh nghiệp, VCCI kiến nghị Chính phủ bỏ vì cho rằng, việc lấy mẫu kiểm tra chất nhuộm vải formaldehyde có chứa chất gây ung thư mất quá nhiều thời gian, tốn kém, không có cơ sở pháp lý, trái luật.
Trao đổi về vấn đề này, theo Vụ Pháp chế, việc ban hành quy định có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, tiếp thu kiến nghị, Vụ sẽ rà soát tiếp để soạn thảo thông tư mới thay thế thông tư 37 và sẽ có nhiều mẫu dệt may được miễn khai báo, kiểm tra.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo: "Cần tiếp thu và chỉnh sửa sớm thông tư 37. Tuần tới, Thứ trưởng Khánh (Trần Quốc Khánh) cần làm việc với các vụ, viện, hiệp hội, đơn vị pháp lý rà soát, cái gì vướng mắc tháo gỡ được thì thực hiện ngay. Nếu thông tư 37 thiếu cơ sở, gây phiền hà cho doanh nghiệp thì kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ".
Còn đối với điều kiện kinh doanh khí quy định tại nghị định 19 thay thế nghị định 107 có hiệu lực thi hành ngày 15/5/2016, nội dung này gây tranh cãi nhiều nhất theo Vụ thị trường các quy định hiện hành đang đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh năng lượng và giảm thiểu gian lận thương mại, dù rằng có một số điểm bị cho là rào cản đối với doanh nghiệp.
Cho ý kiến về Nghị định này, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng: "Cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. Khi thị trường cạnh tranh, giá cả sẽ giảm, người tiêu dùng qua đó sẽ được hưởng lợi".
Ngoài ra, với việc cấp giấy chứng nhận khai báo hóa chất, lãnh đạo Bộ Công Thương thống nhất chung là không cần thiết nên bỏ vì không có người quản lý, gây phiền cho doanh nghiệp. Chưa kể, khi làm thủ tục thông quan hàng hóa, doanh nghiệp đã khai báo với hải quan một cửa. Do vậy, sẽ sớm kết nối liên thông giữa hải quan với Bộ Công Thương để tra cứu dữ liệu khi cần.
Phương Dung