The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bộ ngành muốn giữ 10 quy định bị đánh giá “kém”

Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đã công bố kết quả cuộc bình chọn 30 quy định pháp luật tốt nhất và kém nhất năm 2016. Đã có bộ cam kết sửa, nhưng nhiều quy định được bình chọn kém sẽ chưa được thay thế…

Còn nhiều lý do để không sửa đổi. Tuổi Trẻ đã liên hệ một số vị lãnh đạo bộ có nhiều quy định bị đánh giá kém, nhưng nhiều vị nêu... chưa biết bình chọn của VCCI, có vị từ chối trả lời.

Chỉ có Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết đang nghiên cứu sửa cả 5 văn bản thuộc nhóm bị bình chọn 
là quy định kém.

Sẽ sửa nếu...

Ngay sau khi VCCI công bố kết quả bình chọn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã ký văn bản gửi VCCI, cho biết Bộ NN&PTNT đang sửa cả 5 văn bản thuộc nhóm bị bình chọn là kém.

Ví dụ nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, bộ cho biết đang trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng không quy định tỉ lệ mạ băng, hàm ẩm của cá tra xuất khẩu để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoặc với thông tư 40 ban hành danh mục thuộc diện kiểm soát thực vật cũng sửa đổi theo hướng loại bỏ da, da thành phẩm 
khỏi danh mục...

Trước thông tin đã được VCCI đề nghị phản hồi về phản ảnh của doanh nghiệp nhưng Bộ NN&PTNT không trả lời, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Pháp chế của bộ này cho hay sau khi nhận thông tin về 5 văn bản của bộ bị bình chọn là kém, bộ đã rà soát và xác định tháng 6-2016 đã nhận được đề nghị phản hồi từ VCCI.

“Nhưng thời điểm đó một cán bộ chịu trách nhiệm đã bỏ sót đề nghị này và chúng tôi chưa trả lời VCCI” - vị đại diện 
kể trên cho biết.

Bộ Kế hoạch và đầu tư nằm trong top 3 bộ ngành có số lượng văn bản kém cũng đã có phản hồi. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-3, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết chưa nhận được thông báo về cuộc bình chọn các quy định kém mà VCCI đã công bố.

Do không biết các phương pháp đánh giá cụ thể, nên Thứ trưởng Đông nói không thể bình luận đúng, sai.

Tuy nhiên, ông Đông cho rằng kết quả bình chọn, xếp loại phụ thuộc nhiều vào tính khách quan, chủ quan của bộ câu hỏi và các tiêu chí đánh giá.

“Kết quả bình chọn mà VCCI công bố cũng là một hình thức phản ánh của xã hội, nên sẽ tiếp cận một cách bình tĩnh. Nếu có quy định chưa tốt sẽ tiếp thu và chúng tôi mong những nhận xét, đánh giá phải mang tính xây dựng. Chứ nếu chỉ nhặt một vài chữ thì không nên.

Chúng tôi sẵn sàng làm việc với VCCI nghiêm túc” - Thứ 
trưởng Đông nói.

10 quy định chưa có 
kế hoạch sửa

Tuy nhiên, trong số 30 quy định pháp luật được bình chọn là kém được VCCI công bố, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, khẳng định trong quá trình thực hiện đều đã gửi công văn đến tất cả bộ ngành để thông báo và nhận phản hồi.

Theo VCCI, trong số 30 quy định kém đã có 7 quy định được các bộ ngành chủ động điều chỉnh, sửa đổi. 13 quy định được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để sửa. Như vậy, vẫn còn 10 quy định không được các bộ ngành nhắc đến hoặc chưa có kế hoạch sửa.

Trong số đó, ông Tuấn nêu có những quy định khi đưa ra bị người dân phản ứng vẫn được các bộ bảo lưu quan điểm để thực hiện tiếp.

Như thông tư 57 yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Công an ban hành. Bộ Công an trong văn bản gửi VCCI nêu Bộ Tư pháp đã có ý kiến khẳng định chưa có căn cứ cho rằng việc ban hành thông tư là... trái quy định.

Bộ Công an cho biết với phương tiện từ 10 chỗ ngồi trở lên sẽ vẫn áp dụng theo thông tư 57. Với ôtô dưới 9 chỗ ngồi, bộ sẽ chỉ đạo chưa xử lý vi phạm. Thời gian tới, Bộ Công an cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng tài liệu khuyến cáo cách lắp đặt bình 
chữa cháy trên ôtô...

Cũng nằm trong 30 quy định kém được bình chọn là quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô được cho rằng đã khiến không ít doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phải rời bỏ thị trường.

Theo đó, Bộ GTVT quy định nếu kinh doanh hành khách theo tuyến cố định, doanh nghiệp có trụ sở ở các thành phố trực thuộc trung ương phải có từ 20 xe trở lên...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cho rằng quy định này hạn chế quyền kinh doanh của người dân.

“Để đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và an toàn, cơ quan quản lý cần nâng cao chức năng giám sát, tăng cường thanh tra - kiểm tra chứ không đặt điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp, giành thuận lợi về mình 
như thế” - ông Liên nói.

Trong văn bản phản hồi của Bộ GTVT đến VCCI khẳng định quy mô doanh nghiệp có tác động lớn đến trật tự an toàn giao thông, tai nạn, ùn tắc giao thông... Tuy nhiên sau khi nhận phản hồi trên, VCCI vẫn cho rằng quy mô của doanh nghiệp không liên quan đến an toàn giao thông.

Báo cáo Thủ tướng

Trước phản ứng khác nhau của các bộ ngành, ông Đậu Anh Tuấn cho biết ngay sau khi công bố kết quả cuộc bình chọn này, VCCI đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về nội dung cuộc bình chọn.

Ông Tuấn nhấn mạnh việc đưa ra kết quả bình chọn các quy định pháp luật kém không nhằm mục đích hạ thấp uy tín của bộ ngành nào.

Những nội dung được cuộc bình chọn đưa ra nhằm phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, người dân. Trên cơ sở đó, các bộ ngành tham khảo để hoàn thiện 
hơn nữa các quy định...

Theo các chuyên gia, kết quả khảo sát của VCCI thể hiện nguyện vọng của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, cần có lắng nghe, đánh giá nhất định.

Trước mắt, cần có khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng hoặc cơ quan độc lập về 10 quy định thuộc diện “kém” nhất để xem xét việc chỉnh sửa cho phù hợp...

N.AN - L.ANH - L.THANH

Báo Tuổi trẻ

1.739 tổ chức, cá nhân tham gia đề cử

VCCI cho biết đã nhận được tổng cộng 9.297 đề cử quy định tốt và kém nhất từ 1.739 cá nhân và tổ chức. Trong đó có 7.600 đề cử gửi qua email, 1.549 đề cử gửi qua website của cuộc bình chọn, 123 đề cử gửi qua văn bản, 25 đề cử qua điện thoại và gặp trực tiếp.

Phân loại, VCCI cho biết các đề cử quy định tốt thường đến từ các cơ quan nhà nước. Nhiều quy định kém được đề cử bởi các doanh nghiệp hoặc cá nhân làm việc trong doanh nghiệp.

Đánh giá kém dựa trên tính cần thiết, hợp lý…

VCCI cho biết việc bình chọn các quy định tốt và kém được thực hiện trên cơ sở một bộ tiêu chí thống nhất, do VCCI và hội đồng chuyên gia xây dựng. Bộ tiêu chí này có các tiêu chuẩn trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, tham khảo tiêu chuẩn của 
Chính phủ Úc…

Các tiêu chí đánh giá bao gồm: sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu, thời điểm ban hành và có hiệu lực.