Bộ, ngành phải “buông” quyền lợi
“Bộ, ngành thờ ơ, trì trệ, không chịu buông quyền lợi sẽ khó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Muốn tinh thần cải cách của Thủ tướng “thấm” tới từng bộ ngành, địa phương, dứt khoát phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã khẳng định như vậy.
+ Chúng ta nói nhiều về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Có ý kiến cho rằng, sau 2 năm thực hiện vẫn chưa “thấm” đến các bộ, ngành, địa phương, nên vẫn còn một loạt rào cản. Quan điểm của ông như thế nào?
- Đúng là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn kém xa các nước trong khu vực. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, nếu còn nhiều rào cản như vậy, DN Việt sẽ không đủ sức cạnh tranh.
+ Một trong những nguyên nhân được ông đưa ra là do một số bộ, ngành không muốn buông quyền lợi nên làm chậm tiến trình cải cách?
- Đi khảo sát cơ chế một cửa quốc gia trong năm qua, tôi thấy, có 23/100 thủ tục được đã kết nối. Tuy nhiên, những thủ tục đã được kết nối lại là những thủ tục ít ảnh hưởng đến DN, ít thay đổi đến quyền, nhiệm vụ của các bộ.
Điều này đòi hỏi, cần có sự thay đổi một cách thực chất hơn! Đáng lẽ phải tìm ra những thủ tục tác động nhiều nhất đến cộng đồng DN để thúc đẩy kết nối trước, còn thủ tục đơn giản khác thì làm sau. Theo tôi các bộ, ngành phải mạnh mẽ hơn, thực chất hơn để thúc đẩy quá trình cải cách.
+ Cứ hô hào, các bộ, ngành vẫn “ôm” quyền lợi, “bước dần đều” phải tìm ra thủ phạm để có biện pháp xử lý chứ, thưa ông?
- Người đứng đầu phải biết vướng gì, vướng ở đâu để gỡ. Thực ra, chúng ta đã biết vướng ở đâu, vấn đề gì, do ai… lúc này chỉ là triển khai thực hiện thôi.
Chúng ta đã liệt kê ra 196 văn bản từ luật, nghị định đến thông tư và đã kiến nghị sửa đổi đến 87 văn bản… trong đó quan trọng nhất là các thông tư nằm trong thẩm quyền của các bộ, ngành. Nếu sửa đổi được những văn bản đã được nêu ra này thì đã là bước tiến vượt bậc rồi! Vấn đề khó khăn nhất, tôi nghĩ, đó là sự trì trệ, thờ ơ của các bộ, ngành.
Với tinh thần mới của Chính phủ, cam kết rất mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh tháo bỏ rào cản, giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho DN, hi vọng sự thờ ơ, trì trệ đó sẽ mất dần, thay vào đó là sự tích cực, chủ động phục vụ tốt hơn.
Còn với từ cách là cơ quan theo dõi, giám sát, để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chúng tôi sẽ theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm. Báo chí, cộng đồng DN cũng có tác động tích cực trong việc truy đến cùng trách nhiệm buộc các bộ, ngành phải chuyển động.
+ Điều gì làm ông tin tưởng, năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết 19, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam sẽ chuyển động tích cực, không còn sức ì?
- Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết 19 lần thứ 3 vừa được Chính phủ ban hành, đã quy định rất cụ thể, rõ ràng trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn, Nghị quyết giao chỉ tiêu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư 8 nhiệm vụ, Bộ Công thương 10 nhiệm vụ, Bộ Tài chính 6 nhiệm vụ… Những nhiệm vụ này gắn với sự thay đổi cải cách quy định văn bản quy phạm pháp luật mà trên thực tế đã gây phí tổn, phiền hà cho DN.
Trong triển khai thực hiện, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể là Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, đánh giá, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng để có những chỉ đạo kịp thời, bám sát mục tiêu đã được nêu ra trong Nghị quyết. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ lập các đoàn kiểm tra trực tiếp ở các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP.
Một điều phải nói thêm rằng, nếu 2 Nghị quyết 19 trước đây, nhiệm vụ của các tỉnh, TP không rõ ràng lắm, không cụ thể lắm thì lần này đã quy định cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, cấp tỉnh phải gắn kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 với việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với tinh thần đổi mới, cam kết mới, lấy DN làm đối tượng phục vụ như cam kết của Thủ tướng trong các hội nghị, văn bản gần đây.
Tinh thần đổi mới đó không chỉ trong Nghị quyết 19 năm 2016 mà còn được thể hiện ở Nghị quyết 35 về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Tôi kỳ vọng, lần này sẽ thực hiện tốt hơn và khi thực hiện tốt hơn thì chắc chắn môi trường kinh doanh của chúng ta sẽ được cải thiện.
Theo đó, sẽ có sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trọng việc cải thiện chỉ số thông quan biên giới với sự dẫn dắt của Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực có trách nhiệm của 14 bộ, có liên quan. Hay sẽ có những thay đổi trong việc cấp phép xây dựng - một trong những chỉ số hiện DN đang rất kêu ca, ngay ở các cơ quan Nhà nước cũng rất phàn nạn, còn tổ chức quố thế đánh giá là xấu đi nhiều so với năm 2015.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 và Nghị quyết số 35, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết. Trong đó, các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm và giao dịch qua môi trường mạng internet để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu… Lãnh đạo các bộ, ngành phải tập trung xây dựng văn bản pháp luật, không được để nợ đọng, không để những thiếu sót từ thể chế kìm hãm sự phát triển. |
Thảo Nguyên