The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Đừng tưởng nhất nhì, top này top kia mà đã hay"

Người đứng đầu ngành nông nghiệp tỏ ra băn khoăn khi nông nghiệp sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Cái giá của chạy theo sản lượng
Tại Đối thoại phát triển địa phương 2021, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 biến lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng. Người dùng tiêu dùng xanh không chỉ mua những sản phẩm có giá trị hữu hình mà cả giá trị vô hình, như xuất xứ nguồn gốc, nông nghiệp xanh, có trách nhiệm, bền vững...
Ông Hoan lưu ý, cần thay đổi quan niệm nông nghiệp là trụ đỡ khi nền kinh tế khó khăn; thay vào đó, cần nói như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, phải đo độ bền vững của một quốc gia bằng nông nghiệp.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp tỏ ra băn khoăn khi nông nghiệp sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, làm bào mòn lợi nhuận của người nông dân, giảm giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, phát thải ra hiệu ứng nhà kính.
“Đó là nền nông nghiệp thiếu bền vững”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh. “Nếu chúng ta không tính hết chi phí thì đó là nền nông nghiệp đánh đổi. Đó không phải là vấn đề chi phí đầu vào của nông dân, doanh nghiệp mà còn là chi phí xã hội, môi trường”.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận định phải chuyển nông nghiệp từ việc theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường,...
Nhấn mạnh không thể đánh đổi tăng trưởng hôm nay bằng tài nguyên của thế hệ mai sau, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng nông nghiệp xanh là hướng đi cần triển khai, bởi điều liên quan đến chất lượng sống và cơ hội phát triển của thế hệ mai sau.
“Chúng ta bắt buộc phải làm, ai đi trước thì đạt mục tiêu trước, không thể nói việc này là chuyện đâu đâu được nữa”, ông Lê Minh Hoan thúc giục.
Theo ông Lê Minh Hoan, trước đây chúng ta theo đuổi phát triển nông nghiệp dựa trên sản lượng thì nay phải phát triển dựa trên sự bền vững.
“Nhiều người nói bền vững không tạo ra sự phát triển, nhưng nếu chúng ta tư duy đồng bộ 63 tỉnh thành thì chúng ta tạo ra thương hiệu của nền nông nghiệp Việt Nam, góp thành thương hiệu quốc gia, mang lại giá trị gia tăng cho tương lai, mà không phải là tương lai xa. Cho nên, mọi thứ tùy vào hành động của chúng ta”, ông Hoan nói.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT - người nhiều năm trên cương vị Bí thư Đồng Tháp, “không phải thấy sản lượng nhất nhì, top này top kia mà thấy hay”. Ông Hoan đánh giá cao khi một người nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên tận dụng phế phẩm trong vườn làm phân bón. Dù việc đó không làm năng suất cà phê cao hơn, nhưng lại cho chất lượng cao hơn, bán giá cao hơn.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam nhiều năm nay, gây ảnh hưởng đến ngành thuỷ sản Việt Nam và đời sống của bà con ngư dân là lời cảnh báo cho việc phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Vấn đề là tư duy
“Tại sao hiện nay cần quan tâm tăng trưởng xanh?”, ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đặt câu hỏi khi mở đầu bài trình bày. “Nếu ngồi yên không làm gì thì tổn hại còn lớn hơn chi phí bỏ ra xử lý vấn đề”.
Dẫn con số đáng suy nghĩ, ông Jacques Morisset nói rằng tỷ lệ tổn thất của GDP do biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường có thể là 10% GDP.
“Việt Nam mất đi 10% thu nhập vào năm 2020. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính, tiếp đến là ô nhiễm chì và các thiệt hại liên quan đến biến khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường”, chuyên gia WB nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét: Xu hướng tăng trưởng xanh đã thể hiện rất rõ, nhìn vào từng ngành, hàng, doanh nghiệp là thấy. Động lực của tăng trưởng xanh trước hết xuất phát từ chính yêu cầu hội nhập. Các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,... đòi hỏi sản phẩm thân thiện với môi trường nên tự khắc doanh nghiệp chính là người điều chỉnh công nghệ, tiêu chí sản xuất của mình. Cho nên, hội nhập có vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh.
Thứ hai, theo ông Tuấn, do các chính sách chủ trương của nhà nước. Nhiều chính sách quy định về môi trường chặt chẽ hơn nên các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
Thứ ba, đó là tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội. Mỗi doanh nghiệp hoạt động đều phải tuân thủ trách nhiệm xã hội, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Đây là áp lực mà đại diện VCCI đánh giá là “lành mạnh" để doanh nghiệp chuyển đổi.
Nhiều năm nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, ông Đậu Anh Tuấn thấy rằng chất lượng điều hành liên quan chặt chẽ tăng trưởng xanh.
“Tỉnh nào có chất lượng điều hành cao thì có sự liên hệ tốt với yếu tố tăng trưởng xanh, ông Tuấn nhận định. “Cùng là doanh nghiệp khai khoáng, ở đâu làm nghiêm thì doanh nghiệp có công nghệ chế biến tốt hơn, có lợi thế cạnh tranh. Hay như sản xuất nông nghiệp, nếu sản phẩm sạch mà bị làm nhái doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại. Họ mất nhiều thời gian, chi phí nếu không được bảo vệ tốt cho sản phẩm của mình”.
“Cho nên, chất lượng quản trị của chính quyền dịa phương có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, phát triển xanh còn có có áp lực từ thị trường, do nhu cầu của người dân. Khó đòi hỏi DN đưa ra sản phẩm xanh nếu người dùng không chuộng. DN đưa sản phẩm ra thị trường phải có doanh thu lợi nhuận, nên người dùng là yếu tố quan trọng định hướng sản phẩm theo hướng này hay không”, ông Đậu Anh Tuấn đúc rút.