The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Miền Trung đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng”

Vùng Duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận bao gồm 14 tỉnh có 9 sân bay bao gồm 5 sân bay quốc tế, 14 nhóm cảng biển trong đó có 8 cảng nước sâu. Biển miền Trung đang là cửa ngõ phát triển quan trọng ra biển Đông.
Thế mạnh kinh tế biển
Tại Hội nghị Phát triển Kinh tế miền Trung tổ chức tại FLC Quy Nhơn sáng nay (20/8), ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, nhấn mạnh những thế mạnh cụ thể và nổi bật trên của vùng kinh tế miền Trung.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá rằng, vùng Duyên hải miền Trung đã thu được nhiều kết quả quan trọng sau 30 năm đổi mới, tình hình kinh tế xã hội có vùng có nhiều khởi sắc.
Cụ thể, những năm gần đây, GRDP của vùng tăng trưởng cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Một số địa phương trước đây khó khăn nay đã tăng trưởng tốt như Quảng Bình, Phú Yên, Ninh Thuận. GRDP vùng tăng lên 2.574 USD/người. Riêng vùng kinh tế trọng điểm, GRDP hơn 2.600 USD, bằng mức bình quân chung của cả nước.
Ngoài sự đóng góp của các dự án công nghiệp, khu dịch vụ tăng trưởng tốt, nuôi trồng khai thác chế biến thủy hải sản của khu vực này phát triển mạnh.
Thu ngân sách trong vùng đều đạt và vượt dự toán, tăng thu nội địa đặt trung bình 14,2%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 7%/năm, chiếm 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Cùng đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả hành chính công không ngừng cải thiện trên bảng xếp hạng của cả nước. Năm 2018, khu vực này có 4 tỉnh thành nằm trong top đầu của cả nước về chỉ số hành chính công. Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới cao, thu hút FDI tăng khá, đạt 12,2 tỷ USD.
Là thế mạnh của vùng, phát triển kinh tế biển tại đây được quan tâm chú trọng. Theo chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam tầm nhìn 2030 đến 2045, các địa phương phát triển mạnh và điển hình như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Huế; nhiều địa phương đã thu hút được nhà đầu tư chiến lược.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng dẫn lại, các khu kinh tế ven biển của Duyên hải miền Trung đã thu hút được một số dự án FDI quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh, như dự án lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất, Formosa... Tổng giá trị sản xuất trong nửa đầu năm 2019 đạt hơn 8 tỷ USD. Đi cùng với đó, hạ tầng đô thị ven biển cải thiện mạnh, năng lực tái tạo phát triển mạnh.
Những năm qua, kết nối hạ tầng quan trọng của vùng được quan tâm, với việc hoàn thành cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án cải tạo các đoạn xung yếu và chuẩn bị triển khai một số dự án như Cam Lộ, vùng có 14 nhóm cảng biển, trong đó có 8 nhóm cảng biển loại 1...
Trong giai đoạn 2016 - 2018, khu vực này đã tạo việc làm mới cho 1,03 triệu người, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành 1.200 xã, gần bằng bình quân chung của cả nước. Các chỉ tiêu về môi trường như tỷ lệ sở hữu chất thải rắn cơ bản đạt được mục tiêu đề ra theo Quyết định 114 của chính phủ. Các tổ chức nghề cá như nghiệp đoàn được tổ chức nhân rộng gắn kết.
Đẩy mạnh các kết nối, trao thực quyền quyết định cho từng vùng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan ban ngành. Nhưng bên cạnh thành tựu đã đạt được, vùng miền Trung đang đối mặt với một số thách thức.
Thứ nhất, quy mô kinh tế của vùng còn rất khiêm tốn. Trong 14 tỉnh chỉ có Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng có dự án quy mô lớn. Một số hành lang kinh tế chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp dịch vụ, chỉ chiếm 4,16% tổng quy mô xuất khẩu của cả nước.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò đầu tầu dẫn dắt kinh tế toàn vùng. Tăng trưởng GRDP hàng năm giai đoạn 2016 - 2018 đạt 7,13%, đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước.
Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các tỉnh Duyên hải miền Trung còn đối diện với nhiều khó khăn như thu ngân sách chưa bền vững; liên kết nội vùng còn thiếu và yếu, các tuyến đường dọc trục Bắc Nam - Đông Tây, nối ven biển với miền Trung Tây Nguyên; thiếu sự liên kết vùng, chưa hình thành kết nối chiến lược, kết nối hạ tầng, chưa có sự phân công lao động giữa các tỉnh thành phố trong vùng.
Về điều kiện tự nhiên, nguy cơ thiếu nước ngọt, hạn hán ngày một nặng nề; riêng Ninh Thuận và Bình Thuận đối diện với tình trạng ô nhiễm tại các khu nông nghiệp...
Cũng theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút FDI vào vùng còn thấp, chủ yếu các dự án nhỏ. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có chứng chỉ mới đạt 22,23%, thấp so với cả nước, phong cách làm việc, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Và ở tình hình chung, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực này vẫn đang cao so với bình quân chung của cả nước.
Từ những thách thức trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường phát triển kinh tế miền Trung.
Đó là thực hiện quy hoạch xã hội phát triển vùng miền Trung đã được phát triển, tiếp tục phê duyệt, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển thành vùng kinh tế mạnh của cả nước; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng theo tiến độ mới được thông qua, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc Nam, cảng biển ven biển và Trung Tây Nguyên; đảm bảo gắn kết biển, tăng cường liên kết vùng và liên kết với miền Trung - Tây Nguyên, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 67 của chính phủ, đào tạo thu hút tạo việc làm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh đến yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, xây dựng thương hiệu và sản xuất quốc gia theo ngành và vùng. Cùng đó là phát triển kết cấu hạ tầng liên vùng và vùng, kết nối trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Kết nối chiến lược Bắc Nam Đông Tây, kết nối đường cao tốc trong vùng, sớm đầu tư đường sắt Bắc Nam.
Trong quản lý điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu hướng tiếp tục kiện toàn bộ máy và trao thực quyền quyết định cho từng vùng.
Để phát triển bền vững, ông Dũng nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện an sinh, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường, vùng ven biển đảo, giảm thiểu suy thoái môi trường, xử lý tốt chất thải rắn; kết hợp chặt chẽ kinh tế với phát triển quốc phòng an ninh.