The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bóc tách chi phí thật của doanh nghiệp

Có tới 1/5 các kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ cho cuộc gặp giữa Thủ tướng với DN sắp tới được VCCI tập hợp liên quan tới giảm chi phí kinh doanh cho DN. Đây là số liệu vừa được TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI đưa ra.

Hiệp hội logistic Việt Nam còn đưa ra một thống kê, chi phí vận tải một container từ cảng Rotterdam (Hà Lan) về Cảng Hải Phòng (Việt Nam) còn rẻ hơn chở container đó từ Hải Phòng sang Thái Bình. Ảnh: S.T

Chi phí kinh doanh của DN vẫn đang tăng lên mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp bằng các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Theo phản ánh của một số hiệp hội DN tại Hội thảo: “Chi phí kinh doanh” do VCCI vừa tổ chức, DN đang phải chịu những chi phí khó nói và khó thống kê được.

Chí phí khó nói, khó thống kê

Là người trực tiếp tham gia một số điều tra về chi phí kinh doanh của DN, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, 100% các DN Việt Nam được điều tra đang tránh đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc thông qua hình thức ký 2 hợp đồng lao động với người lao động. Mục đích của việc này là giúp người lao động đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… ở mức lương tối thiểu, còn thực lĩnh lương và các chế độ khác thì cao hơn. Những bất cập về chính sách bảo hiểm cho người lao động buộc DN phải có cách đối phó riêng và đương nhiên sẽ phát sinh những chi phí “khó nói”.

Cũng theo bà Cúc, một số quy định về chế độ hoá đơn chứng từ hiện hành còn rất bất cập, không theo kịp được thực tế. Ví dụ bán hàng hoá, dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên phải lập hoá đơn ngay, kể cả trường hợp người mua không lấy hoá đơn. Nếu vi phạm quy định này, DN có thể bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Với một số DN bán lẻ không biết một ngày phải viết bao nhiểu hoá đơn là một thực tế khó có DN nào có thể thực hiện được. Theo điều tra của VCCI, xu hướng phải chi trả chi phí không chính thức cũng đang tăng lên. Đại diện một hiệp hội DN vận tải cho biết, chi phí không chính thức trong lĩnh vực vận tải đường bộ trung bình chiếm khoảng 5% phí vận tải. Chí phí cầu đường trước đây chiếm khoảng 10% phí vận tải thì nay phí BOT đã tăng lên tới 3 lần khiến DN có nỗ lực đến đâu cũng vẫn phải liên tục tăng phí vận tải.

Hiệp hội logistic Việt Nam còn đưa ra một thống kê, chi phí vận tải một container từ cảng Rotterdam (Hà Lan) về Cảng Hải Phòng (Việt Nam) còn rẻ hơn chở container đó từ Hải Phòng sang Thái Bình. Cứ mỗi lần có chốt công an giao thông là ít nhất 100.000 đồng tiền “chè nước”.

Thiếu cơ chế giám sát chi phí

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ chế giám sát chi phí kinh doanh của DN. Đây là nguyên nhân khiến rất nhiều loại chi phí kinh doanh của DN thời gian qua không hề giảm. Nhìn từ vấn đề phí cảng biển, theo thống kê của các DN hiện họ phải chịu tới 68 loại phí để được thông quan hàng hoá. Có những loại phí chủ hàng phải chịu rất vô lý. Ví dụ, phí vệ sinh container thu cả những loại hàng rất sạch hay phí sửa chữa container vẫn phải nộp mặc dù đã được tính trong khấu hao tài sản… Các hãng tàu Việt Nam hiện chỉ chiếm từ 10 – 12% thị phần vận tải biển. Sự lép vế của các hãng tàu Việt Nam đang dẫn đến tình trạng độc quyền “đẻ” ra phí của các hãng tàu ngoại.

Cần có những chính sách để kiểm soát phần nào sự độc quyền nói trên dự kiến sẽ là một trong các nội dụng được đặt ra tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với DN sắp tới.

Theo TS Đặng Quang Vinh – Viện CIEM, mỗi nền kinh tế đều có đặc thù riêng, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể dựa trên kinh nghiệm quốc tế về sự điều tiết của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường để hạn chế tình trạng độc quyền. Nỗ lực hướng tới giảm chi phí kinh doanh là trách nhiệm của Chính phủ thông qua việc ban hành ngay các chính sách của mình.

Thực tế có những chính sách cho dù chưa được áp dụng như chế độ tiền lương, bảo hiểm cho người lao động đang khiến cho cộng đồng DN rất lo ngại. Từ câu chuyện tại sao các DN Việt Nam lại phải ký hai hợp đồng lao động? Điều này phản ánh sức chịu đựng của DN trước các loại bảo hiểm đã quá tải. DN phải lách luật còn người lao động cũng chất nhận, dẫn tới chính sách không có tính khả thi.

Các chuyên gia lo ngại, với mức đóng như hiện nay, các DN đã phải lách luật bằng cách ký 2 hợp đồng. Kể từ năm 2018, DN phải đóng bảo hiểm cho người lao động theo tổng các khoản lương, phụ cấp… không biết sẽ ra sao? Một cơ chế tổng thể để kiểm soát chi phí kinh doanh, tạo sự cân bằng quyền lợi các bên là vấn đề cần phải đặt ra lúc này. Bởi vì, giảm chi phí kinh doanh cho DN cũng chính là một trong các mục tiêu cơ bản mà Chính phủ đang hướng tới.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên:Sức ép tăng lương lên DN

Chi phí về lương, thưởng, phụ cấp của công nhân đang chiếm 60% phí gia công của ngành dệt may. Tiếp đến là các loại bảo hiểm chiếm khoảng 11 – 12%. DN chỉ còn 28% trong tổng số các loại chi phí như vận tải, điện, quản lý… Vậy mà Chính phủ vẫn liên tục đặt ra sức ép tăng lương cho người lao động thì DN không thể chịu được. Nhìn lại thời gian gần đây, các DN nhỏ mới thành lập của ngành dệt may đều phải ra đi, chỉ còn lại những DN lớn có tích luỹ mới trụ dược.

Mức lương lao động dệt may của Việt Nam hiện nay cao gấp 3 – 4 lần Bangadet, gấp 2 lần Ấn Độ, làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt may trên thị trường. Chủ DN nào cũng muốn đời sống người lao động ngày càng được cải thiện nhưng phải căn cứ vào thực tế phát triển.

Ông Nguyễn Tương – Phó tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistic VN: Cần rà soát lại phí logistic

Chí phí logistic của Việt Nam hiện còn cao, tương đương 21/% GDP. Trong khi, các nước phát triển chỉ số này chỉ từ 9 – 14%. Ví dụ Nhật Bản là 9,4% (2015). Trong chi phí logistic, chi phí vận tải chiếm 60%, tồn kho chiếm 36% và chi phí quản lý 4%. Điều đáng lo ngại là chi phí không chính thức trong lĩnh vực giao thông của Việt Nam thời gian qua không hề giảm.

Hướng tới mục tiêu giảm chi phí logistic xuống 16 -20% GDP trong năm 2017, Chính phủ cần tạm dừng việc thu phí của Hải Phòng và thu phí nhà thầu đối với kho ngoại quan. Phí cảng Hải Phòng là không phù hợp với Luật Hàng hải 2015. Còn phí kho ngoại quan 1% khiến các thương nhân nước ngoài chuyển sang mua và nhận hàng tại cửa khẩu để tránh phí.

Bá Tú

Enternews