Trong phiên chất vấn vào chiều 16-7, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh đã đặt các câu hỏi liên quan đến việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tình hình lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu. Qua phần trả lời của lãnh đạo các sở cho thấy UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực, đưa ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.
ÔNG NGUYỄN PHƯỚC LỄ, GIÁM ĐỐC SỞ KH-ĐT:
Phấn đấu cải thiện chỉ số PCI lên hạng 20
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Minh Long về vấn đề chỉ số PCI sụt giảm, ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, về chỉ số PCI năm 2013 của tỉnh, trong hai năm gần đây, kết quả xếp hạng chỉ số PCI hàng năm của tỉnh đã sụt giảm. Cụ thể: Năm 2011 tỉnh xếp hạng 6/63 tỉnh thành; năm 2012 xếp hạng 21/63 tỉnh thành, giảm 15 bậc so với năm 2011; năm 2013 xếp hạng 39/63 tỉnh thành, giảm 18 bậc so năm 2012. Theo báo cáo kết quả chỉ số PCI năm 2013, trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh thì có 4 chỉ số sụt giảm điểm so với năm 2012, trong đó 2 chỉ số có điểm số và thứ hạng thấp là chỉ số tiếp cận đất đai và chỉ số tính năng động; riêng chỉ số cạnh tranh bình đẳng (mới được bổ sung năm 2013) cũng có kết quả thấp.
|
Đại biểu Vũ Thị Thu Hà chất vấn về vấn đề chỉ số PCI sụt giảm. |
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến chỉ số tiếp cận đất đai sụt giảm điểm, theo ông Nguyễn Phước Lễ, qua kết quả khảo sát cho thấy nhiều DN đánh giá việc tiếp cận đất đai để phục vụ sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn; rủi ro khi bị thu hồi đất cao và khi bị thu hồi đất lo ngại không được bồi thường thỏa đáng. Bên cạnh đó, các DN còn chưa hài lòng về chất lượng CCHC trong lĩnh vực đất đai và cho rằng việc thực hiện các TTHC gặp khó khăn, rườm rà, tỷ lệ DN có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp. Theo kết quả kiểm tra thủ tục hành chính năm 2013, một số TTHC ở lĩnh vực đất đai còn giải quyết trễ hạn, thời gian kéo dài hơn so với quy định. Đây là những hạn chế làm ảnh hưởng đến chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh trong năm 2013.
Chỉ số tính năng động sụt giảm điểm chủ yếu là do cảm nhận của DN về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực DN tư nhân thấp và nhiều DN cho rằng có những chủ trương, ý kiến hay của lãnh đạo tỉnh nhưng chưa thực thi tốt ở các sở, ngành và cấp huyện. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng có điểm số và thứ hạng thấp chủ yếu là do nhiều DN cho rằng tỉnh ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tiền thân là DN Nhà nước, doanh nghiệp FDI… trong việc tiếp cận các nguồn lực đất đai, tín dụng; ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính, các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động; ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân,… từ đó làm khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp khu vực dân doanh.
Trước những nguyên nhân chỉ số PCI của tỉnh sụt giảm, ông Nguyễn Phước Lễ cho biết, UBND tỉnh đã nghiên cứu xây dựng và ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của tỉnh, trong đó đề ra nhiệm vụ, giao các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện và định kỳ báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện cho UBND tỉnh; các chỉ số sụt giảm điểm và có thứ hạng thấp trong năm 2013 được tập trung chú trọng cải thiện. Triển khai trực tiếp kế hoạch cải thiện chỉ số PCI năm 2014 của tỉnh đến các lãnh đạo sở, ngành và UBND các địa phương; UBND tỉnh cũng sẽ thành lập ban điều hành để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của tỉnh; Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra CCHC, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN; hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ hợp tác xã, chương trình về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; tiến hành rà soát, công khai các chương trình hỗ trợ DN…
Trả lời câu hỏi tiếp theo của ĐB Lê Minh Long: “Liệu các giải pháp đưa ra có tính khả thi hay không” và câu hỏi của ĐB Vũ Thị Thu Hà về yếu tố con người trong thực thi nhiệm vụ cải cách hành chính, ông Nguyễn Phước Lễ cho biết, đây là kế hoạch tổng thể của UBND tỉnh. Việc đánh giá chỉ số PCI dựa trên 10 chỉ số thành phần với 110 chỉ tiêu, do đó, UBND tỉnh sẽ giao cho một sở, ngành đầu mối chịu trách nhiệm 1 chỉ số thành phần và có sự kết hợp với sở, ngành khác để nâng cao điểm tất cả 10 chỉ số thành phần. Từ đó, các sở, ngành đầu mối và UBND cấp huyện sẽ ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể và chịu trách nhiệm trực tiếp, Ban điều hành của UBND tỉnh sẽ kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã mời chuyên gia Nhật Bản làm cố vấn các vấn đề đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản, sắp tới sẽ có chuyên gia Hàn Quốc làm cố vấn các vấn đề đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp Hàn Quốc; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong CCHC, gắn CCHC với cải thiện chỉ số PCI, nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của công chức. Hy vọng rằng với sự vào cuộc đồng bộ trên, tỉnh sẽ cải thiện và đạt mục tiêu lên hạng 20 về Chỉ số PCI.
|
ÔNG LÊ TUẤN QUỐC, GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT:
Xử lý nghiêm các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm rừng
Trả lời chất vấn của ĐB Ngô Văn Nở về tình hình lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (BTTN BC – PB), ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong Khu BTTN BC - PB hiện có khoảng 850ha đất rừng do 555 hộ tự ý lấn chiếm, canh tác trồng trái phép các loại cây với khoảng 31 ngôi nhà/chòi do người dân tự làm để ở, để bảo vệ cây trồng. Từ năm 2011 đến nay, tại Khu BTTN BC-PB đã xảy ra 913 vụ vi phạm (có đối tượng 379, không có đối tượng 534). BQL Khu BTTN BC-PB đã bàn giao 238 hồ sơ các vụ vi phạm lấn, chiếm đất rừng đến cơ quan chức năng để xem xét xử lý. Chỉ tính riêng năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn xã Bình Châu xảy ra 176 vụ vi phạm. Hầu hết các vụ vi phạm không được xử lý dứt điểm nên các hộ dân tiếp tục vào tái chiếm. Một số khu vực đã được Khu bảo tồn tiến hành trồng phục hồi lại rừng nhưng có nơi đã bị người dân phá nhổ bỏ.
Theo ông Lê Tuấn Quốc, để kịp thời ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm đất rừng, thời gian qua Sở NN-PTNT đã chỉ đạo BQL Khu BTTN BC-PB thường xuyên rà soát, sắp xếp lại cán bộ để mỗi cán bộ, viên chức đều có những công việc phù hợp. Tính từ năm 1997 đến năm 2011, BQL Khu BTTN BC-PB đã chuyển đổi vị trí làm việc cho 269 lượt cán bộ, viên chức. Sau chuyển đổi đã khắc phục được những tồn tại, hiệu quả giải quyết công việc cao hơn. Đối với BQL Khu BTTN BC- PB, liên quan đến việc cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong thời gian qua, Sở NN-PTNT và BQL Khu BTTN BC - PB đã xử lý kỷ luật 16 cán bộ quản lý, bảo vệ rừng. Đối với Hạt kiểm lâm huyện Xuyên Mộc và đội kiểm lâm cơ động, do lơi lỏng trách nhiệm để xảy ra các vụ phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp, Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiến hành thủ tục xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo Hạt kiểm lâm Xuyên Mộc, tập thể và cá nhân trạm kiểm lâm địa bàn xã Bình Châu; kiểm điểm trách nhiệm của đội trưởng đội kiểm lâm cơ động.
|
Đại biểu Ngô Văn Nở chất vấn về vấn đề lấn chiếm đất rừng Khu BTTN BC-PB. |
Trả lời câu hỏi của các ĐB Trần Đình Khoa, Trần Văn Tuấn về thực trạng người dân vẫn chặt phá rừng trước mặt đoàn giám sát trong đợt giám sát trực tiếp tại Khu BTTN BC - PB mới đây, ông Lê Tuấn Quốc cho biết, Sở NN-PTNT vừa làm việc với UBND huyện Xuyên Mộc và thống nhất sẽ xử lý 63 trường hợp vi phạm trước, và đến cuối năm xử lý các trường hợp còn lại trong 238 trường hợp đã lập hồ sơ vi phạm. Ông Lê Tuấn Quốc cũng đưa ra 7 giải pháp để ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép; đồng thời, thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có giải pháp xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng, thành lập lực lượng đủ mạnh như: Công an, quân sự, kiểm lâm, chủ rừng, UBND xã có rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng cũng như các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; kiên quyết nhổ bỏ, phá bỏ những diện tích rừng trồng trái phép đồng thời yêu cầu hộ nhận khoán có kế hoạch trồng lại diện tích rừng đã bị phá bỏ. Tuy nhiên về lâu dài, cần giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho người dân các xã sống xen với rừng có như vậy mới giải quyết dứt điểm hành vi chặt phá, lấn chiếm rừng.
NHÓM PV THỜI SỰ
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử.