Bức tranh nửa sau bảng xếp hạng PCI
Rất có thể, sau đợt công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 được tổ chức hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, những đợt sóng ngầm sẽ nổi lên mạnh mẽ ở các tỉnh thuộc nửa sau của bảng xếp hạng này.
Việc công bố công khai chỉ số PCI hàng năm đã tạo động lực mạnh mẽ cho lãnh đạo các địa phương trên cả nước nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương mình.
Những hàng ghế trống
Ngay sau khi hồ sơ phân tích chỉ số PCI của 63 tỉnh, thành phổ được Ban tổ chức phát cho các đại biểu tham dự Lễ công bố PCI (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện), nhiều người đã đứng dậy ra về.
Nếu các địa phương giảm điểm, tụt hạng nhìn thẳng vào từng điểm số, đánh giá của doanh nghiệp, họ sẽ nhìn thấy dư địa của cải cách
Hình ảnh một loạt ghế trống với tấm bảng tên, chức vụ của các vị lãnh đạo địa phương mà Ban tổ chức kịp cất trước thời điểm khai mạc khiến thứ hạng PCI trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Những chiếc ghế đó thuộc về lãnh đạo những địa phương tụt hạng, giảm điểm trong lần công bố PCI 2016. Cũng phải nói thêm, kết quả PCI bao giờ cũng được Ban tổ chức giữ đến phút chót. Đây là lý do mà những chuyên gia của dự án PCI cho biết, thường phải né bớt các cuộc điện thoại “hỏi han” trước thời điểm công bố. Rõ ràng, dù không phải tất cả, nhưng Bảng xếp hạng PCI đã làm nhiều vị lãnh đạo đầu tỉnh không hài lòng và có phản ứng ngay lập tức. Có vị không bỏ về ngay, nhưng từ chối các đề nghị phát biểu và im lặng ra về ngay sau khi Lễ công bố kết thúc. Cũng dễ hiểu thái độ của các vị lãnh đạo này, nếu phân tích sâu vào những lý do mà các địa phương này tụt hạng tại PCI 2016.
Trong các chỉ số thành phần, năm nay, PCI 2016 ghi nhận sự giảm điểm của chỉ số tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, chi phí tiếp cận đất đai, tiêu chí cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý. Các địa phương giảm điểm đều có hơn 1 tiêu chí bị giảm điểm. Thanh Hóa là cái tên được nhắc tới khi mất tới 2 điểm bình quân so với năm 2015. Dù ở thứ hạng không phải là thấp, 31/63 nhưng tỉnh này đã mất tới 21 bậc trong PCI 2016, rơi từ nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt xuống nhóm khá.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), Giám đốc Dự án PCI cho rằng, Thanh Hóa giảm điểm bởi các doanh nghiệp của tỉnh đã đánh giá chất lượng giải quyết công việc của cán bộ địa phương kém hơn hẳn năm ngoái.
“Tỷ lệ cho rằng, cán bộ giải quyết hiệu quả công việc giảm tới hơn 20 điểm phần trăm, từ 61% năm 2015 xuồng còn 40% năm 2016. Chỉ khoảng 31% doanh nghiệp, so với 49% của năm ngoái cho rằng, thủ tục giấy tờ đơn giản, giảm mạnh. Thậm chí, tại Thanh Hóa, 1/3 doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu các quy định, thủ tục hành chính”, ông Tuấn chia sẻ thông tin. Nhưng với tỉnh này, có lẽ phải nhìn sâu hơn cả vào tỷ lệ 70% doanh nghiệp kêu ca có nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục về đất đai, thuế và xây dựng.
“Tôi tin sự “nóng mặt” của những vị lãnh đạo các địa phương tụt hạng năm nay sẽ tạo nên những bước tiến mới cho PCI và môi trường kinh doanh của các địa phương vào lần xếp hạng tới”, một vị chuyên gia PCI chia sẻ.
Mạch ngầm ở nhóm cuối
Điều đặc biệt của PCI 2016 lại nằm ở nhóm cuối bảng, các chuyên gia PCI đã nhận ra điều này. Thậm chí, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khi nhắc tới thứ hạng của các địa phương trong Bảng xếp hạng PCI 2016 cũng nhiều lần nhấn mạnh tới những chuyển biến mới của các tỉnh nhóm cuối.
“Khoảng cách của cuộc đua giữa nhóm đầu bảng PCI – ngôi sao cải cách – với nhóm cuối bảng đã thu hẹp đáng kể trong năm 2016, cho thấy “dàn đồng ca” PCI đã đồng điệu hơn và động lực cải cách từ PCI đã thực sự lan tỏa”, ông Lộc bình luận.
Nhìn vào nhóm cuối cùng của PCI 2015, chuyển biến này thực sự mạnh mẽ. Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang và Đắk Nông đã cải thiện được 3,85 điểm cho tiêu chí chi phí không chính thức; 2,15 điểm cho tiêu chí tính minh bạch; 1,91 điểm cho chi phí thời gian và hơn 1 điểm cho tiêu chí gia nhập thị trường.
Thậm chí, Hà Giang đang dẫn đầu cả nước về mức tăng điểm, với 4,95 điểm tăng thêm so với PCI 2015. Đắk Nông đứng thứ hai với 4,66 điểm. Ngay cả vị trí không ai muốn đứng của Cao Bằng (63/63) cũng có mức điểm cao hơn vị trí này của năm ngoái tới 4 điểm. Và cũng chỉ có 2 tỉnh bị xếp vào nhóm có chất lượng điều hành thấp.
“Lần đầu tiên trong lịch sử 12 năm của PCI, nhóm này chỉ có 2 tỉnh. Đây có thể là thành quả khi nhiều tỉnh nhóm cuối đã học hỏi và áp dụng kinh nghiệm của các tỉnh tiên phong trong các lĩnh vực tương đối dễ cải cách như rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính…”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Thẳng thắn mà nói, rất khó tạo nên sự bứt phá khi các tỉnh nhóm cuối đa phần nằm ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nơi không có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh. Nhưng đây lại chính là các tỉnh có nhiều chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh hơn các vùng miền khác.
Theo thống kê sơ bộ của Nhóm nghiên cứu PCI, năm 2015 có 14 tỉnh xây dựng và ban hành quyết định, chỉ thị riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong số này, hơn 1/3 là các tỉnh đến từ khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Trong hai năm 2015-2016, trong 28 địa phương ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, có 8 tỉnh thuộc vùng này.
Có lẽ phải nhắc lại câu nói của lãnh đạo Đà Nẵng trong lần tụt tới 10 hạng trên Bảng xếp hạng PCI nhiều năm trước mà ông Lộc đã chia sẻ với các lãnh đạo địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tại Cà phê doanh nhân được tổ chức ngay sau Lễ công bố PCI 2016.
Ông kể, khi đó, lãnh đạo Đà Nẵng đã nói với các sở, ban, ngành của mình là doanh nghiệp chấm còn nương nhẹ, đáng ra phải giảm điểm nữa. “Sau lần đó, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt công việc cụ thể, ở từng đơn vị để cải thiện từng vấn đề mà doanh nghiệp kêu ca. Kết quả là 4 năm liên tiếp gần đây, Đà Nẵng vẫn vững vàng ở ngôi vị đầu bảng”, ông Lộc cho biết.
Minh Anh