The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bức tranh PCI vùng ĐBSCL

Tính bình quân chung, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của vùng ĐBSCL tiếp tục đứng đầu so các vùng kinh tế cả nước. Tuy nhiên, thứ hạng có nhiều thay đổi, có tỉnh tăng điểm, thăng hạng nhưng cũng có tỉnh giảm điểm, xuống hạng mạnh. Bức tranh PCI vùng đất “Chín Rồng” gợi lên nhiều suy nghĩ.
Thay đổi xếp hạng
Giữa tháng 4-2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Đây là năm thứ 16 liên tiếp báo cáo PCI được VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố. Đối với vùng ĐBSCL, những tỉnh “tốp đầu” vẫn giữ vững điểm số và thứ hạng nhưng những tỉnh còn lại có nhiều xáo trộn.
Theo bảng xếp hạng PCI năm 2020, sau tỉnh Quảng Ninh (đứng nhất năm thứ 4 liên tiếp), Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 2 với 72,81 điểm (đứng đầu ĐBSCL). Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có thứ hạng tiếp theo, là: Long An (70,37 điểm, hạng 3), Vĩnh Long (69,34 điểm, hạng 6), Bến Tre (69,08 điểm, hạng 8), TP. Cần Thơ (66,33 điểm, hạng 12), An Giang (64,72 điểm, hạng 19), Hậu Giang (63,11 điểm, hạng 39), Cà Mau (62,82 điểm, hạng 43), Tiền Giang (62,78 điểm, hạng 45), Trà Vinh (62,44 điểm, hạng 48), Sóc Trăng (62,34 điểm, hạng 51), Kiên Giang (60,01 điểm, hạng 62), Bạc Liêu (59,61 điểm, hạng 63).
So bảng xếp hạng PCI năm 2019, Đồng Tháp giảm điểm nhẹ nhưng vẫn giữ vị trí đứng đầu vùng ĐBSCL (PCI năm 2019 của Đồng Tháp đạt 72,1 điểm, hạng 2 cả nước). Tuy nhiên, ở vị trí tiếp theo, Long An từ hạng 8 năm 2019 (68,82 điểm) đã vươn lên hạng 3, chiếm vị trí của Vĩnh Long (năm 2019, Vĩnh Long đạt 73,1 điểm, hạng 3). Bến Tre do sụt điểm nhẹ nên giảm 1 bậc (năm 2019, đạt 69,34 điểm, hạng 7). Đối với TP. Cần Thơ, do sụt điểm nên cũng giảm 1 bậc (năm 2019, đạt 68,38 điểm, hạng 11). Trong khi đó, An Giang dù giảm điểm nhưng tăng 2 bậc (năm 2019, đạt 66,44 điểm, hạng 21).
Tương tự, một số tỉnh cũng giảm điểm nhưng tăng hạng, như: Hậu Giang tăng 4 bậc (năm 2019, đạt 64,14 điểm, hạng 43); Cà Mau tăng 2 bậc (năm 2019, đạt 64,1 điểm, hạng 45); Tiền Giang tăng 1 bậc (năm 2019, đạt 63,91 điểm, hạng 46); Trà Vinh tăng 10 bậc (năm 2019, đạt 63,2, hạng 58); Sóc Trăng tăng 2 bậc (năm 2019, đạt 63,7 điểm, hạng 53). Bất ngờ nhất là trường hợp của Kiên Giang và Bạc Liêu. Nếu như năm 2019, Kiên Giang đạt 64,99 điểm, xếp hạng 35 cả nước (đứng thứ 7 vùng ĐBSCL, xếp ngay sau An Giang trong khu vực) thì năm 2020, chỉ với 60,01 điểm, rơi xuống áp chót (hạng 62 cả nước, đứng thứ 12 vùng ĐBSCL). Trong khi đó, PCI năm 2019 của Bạc Liêu đạt 63,78 điểm, xếp hạng 51 cả nước (hạng 11 vùng ĐBSCL, trên Sóc Trăng và Trà Vinh) nhưng năm 2020, với 59,61 điểm, rơi xuống cuối bảng cả nước và khu vực.
Vẫn còn nỗi lo
Dù có vài xáo trộn nhưng nhìn chung, bức tranh PCI vùng ĐBSCL không có nhiều thay đổi lớn. 4 tỉnh vẫn nằm trong “tốp 10” cả nước, là: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long và Bến Tre; chỉ khác so năm 2019 là Long An từ nhóm xếp hạng “tốt” vươn lên “rất tốt”, còn Vĩnh Long từ nhóm “rất tốt” rơi xuống “tốt”. “Tốp 20” vẫn là TP. Cần Thơ và An Giang, cùng thuộc nhóm xếp hạng “khá”. Sau 6 tỉnh nhóm đầu vùng ĐBSCL, 7 tỉnh còn lại ở vị trí khá xa trên bảng xếp hạng cả nước, đều thuộc nhóm “trung bình” (riêng Kiên Giang và Bạc Liêu thuộc nhóm “tương đối thấp”). Nhìn tổng thể, dù điểm số trung bình các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn khá cao so 5 vùng kinh tế còn lại cả nước (miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ) nhưng điểm số và nhóm xếp hạng có sự sụt giảm.
TP. Cần Thơ từ nhóm “tốt” xuống “khá”; Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang từ nhóm “khá” xuống “trung bình”; Kiên Giang từ nhóm “khá” xuống “tương đối thấp”; Bạc Liêu từ nhóm “trung bình” xuống “tương đối thấp”. Nếu như năm 2019, vùng ĐBSCL không có tỉnh nào thuộc nhóm “tương đối thấp” thì năm 2020, chiếm trọn 2 “suất” xếp hạng “tương đối thấp” của cả nước. Đáng lưu ý là cả Kiên Giang và Bạc Liêu đều sụt điểm khá mạnh (Kiên Giang giảm 4,98 điểm; Bạc Liêu giảm 4,17 điểm).
TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) cho rằng, với kết quả năm 2020, ĐBSCL tiếp tục nổi lên với những gam màu sáng đáng ghi nhận trong bản đồ PCI cả nước. Đồng Tháp và Long An nằm trong “tốp 3”; Vĩnh Long “tốp 6”; Bến Tre “tốp 8”; TP. Cần Thơ và An Giang “tốp 20” cả nước. Tuy nhiên, PCI năm 2020 cũng ghi nhận một gam màu tối của vùng khi lần đầu tiên trong bảng xếp hạng, có 2 tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang rơi xuống cuối bảng, thấp hơn cả các tỉnh miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên. Theo ông Hiệp, dù PCI chỉ là cảm nhận của doanh nghiệp (DN), có giá trị tham khảo nhưng các tỉnh, thành phố đều rất quan tâm kết quả xếp hạng này. Nhiều lãnh đạo địa phương trong vùng ĐBSCL đã tổ chức họp đánh giá, phân tích nghiêm túc kết quả PCI, mổ xẻ mặt mạnh, điểm yếu của mình, “đặt hàng” bộ máy tham mưu phải có giải pháp, quyết tâm cải thiện thứ hạng, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nỗ lực gần doanh nghiệp
Với những tỉnh duy trì thứ hạng cao, hoàn toàn không phải “ăn may” mà nhờ quá trình phấn đấu nhiều năm, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục. Qua phân tích PCI, vùng ĐBSCL được đánh giá là khu vực năng động, có môi trường đầu tư thông thoáng với các chỉ số thành phần, như: thiết chế pháp lý tốt, chính quyền cởi mở, thân thiện với nhà đầu tư và DN, các chi phí gia nhập thị trường, thời gian, không chính thức thấp. Những nỗ lực cải thiện này phần nào bù đắp cho những hạn chế về cơ sở hạ tầng, vốn, chất lượng nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL. PCI 2020 tiếp tục ghi nhận 2 tỉnh Đồng Tháp, Long An nằm trong nhóm “rất tốt” (nhóm thứ hạng cao nhất); Vĩnh Long và Bến Tre nằm trong nhóm “tốt”; TP. Cần Thơ và An Giang trong nhóm “khá”. Dù vẫn còn 5/13 tỉnh nằm trong nhóm “trung bình” (Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng) nhưng nhìn chung, các chỉ số thành phần đã thể hiện nhiều cố gắng trong điều kiện khó khăn chung.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, trong nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, các tỉnh cần đặt tư duy “vượt lên chính mình” còn quan trọng hơn “vượt qua tỉnh bạn”. Theo đó, cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư thật sự tốt hơn, hấp dẫn hơn, tạo thuận lợi và hài lòng nơi DN, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. “Bức tranh PCI được công bố hàng năm nhưng lại là hành trình nỗ lực liên tục nhiều năm, đòi hỏi phải tiếp tục và liên tục thay đổi tư duy - hành động, đồng hành cùng DN. Chính quyền phải chuyển cho được từ suy nghĩ “cho DN” đến suy nghĩ “như DN”, từ quản lý, điều hành thành kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của DN” - TS Hiệp lưu ý.