Cà Mau hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững
08 Tháng 6, 2024
Cà Mau sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI… đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thánh cho biết tỉnh khuyến khích những mô hình kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái.
- Theo ông, đâu điểm nổi bật của Cà Mau trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?
Thời gian qua, Cà Mau đã tập trung chuyển tư duy nhận thức mệnh lệnh hành chính sang tư duy đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ từ trung cho đến dài hạn nhằm thúc đẩy cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI.
Tỉnh cũng thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo môi trường thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, phát huy có hiệu quả tổ công tác đặc biệt giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Năm 2023, Chỉ số PCI Cà Mau tăng 36 bậc, vươn lên đứng ở vị trí thứ 22, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Đây là kết quả xứng đáng từ sự nỗ lực, quyết tâm bền bỉ của chính quyền các cấp trong thực hiện các giải pháp trong cải cách hành chính, trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh trong thời gian qua, trên quan điểm “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.
Thời gian tới, Cà Mau tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ… Cà Mau lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm động lực phấn đấu phát triển.
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Năm 2023, tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận và giải quyết trên 3.800 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (tăng 21% về số lượng hồ sơ so với năm 2022). Trong đó, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 597 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 3.052 tỷ đồng. Những tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh có 160 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,2% so cùng kỳ, tổng vốn đăng ký mới là 996.531 triệu đồng, tăng 11,8% so cùng kỳ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 458 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 145.380,4 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 154,58 triệu USD.
Hiện nay, Cà Mau tập trung thu hút dự án đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, năng lượng tái tạo định hướng xuất khẩu... Tỉnh ưu tiên các dự án sản xuất tinh chế, sản phẩm sử dụng ngay, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, tăng hàm lượng giá trị gia tăng; kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao...
- Cà Mau đang hướng tới mục tiêu xây dựng hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Từ việc xác định phát triển kinh tế xanh là hướng đi bền vững, thời gian qua, tỉnh tập trung và ưu tiên khuyến khích những mô hình sản xuất xanh, kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái.
Trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư và mở rộng chuỗi sản xuất hài hoà, cùng chia sẻ giữa nhà nông và doanh nghiệp, theo hướng thuận thiên, bảo vệ môi trường sinh thái và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận và tính cạnh tranh.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Cà Mau đã quy hoạch và phát triển hệ thống điện gió, điện mặt trời với những bước đi vững chắc, đạt kết quả tốt đẹp, thân thiện với môi trường. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800 MW. Trong đó 5 dự án có tổng công suất 170 MW đã vận hành thương mại... Ðối với điện mặt trời, hiện có 1.217 công trình lắp đặt hệ thống áp mái nhà với tổng công suất 111,564 MWp.
Hiện Cà Mau đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Hydro xanh xuất khẩu, thể hiện trách nhiệm của địa phương, góp phần cùng Việt Nam đảm bảo thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như đã cam kết cùng quốc tế. Ðiều này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh trong thu hút đầu tư, nói không với đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Nhiều khu vực công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế phát triển của địa phương, nhất là giảm dần các ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là không khí, nước…