Cà Mau phấn đấu trở thành tỉnh khá của vùng vào năm 2020
Ông có thể khái quát những thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của tỉnh Cà Mau làm cơ sở và tiền đề cho những năm tiếp theo ? Trong năm 2015, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống đoàn kết, đồng thuận cao, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Cà Mau đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, có 10/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,46%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng của khu vực ngư nông lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách tăng khá, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được cải thiện rõ nét với nhiều dự án, công trình quan trọng được đầu tư như: tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam (đã hoàn thành đưa vào khai thác); tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Hòa Trung. Các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV như: đường Phan Ngọc Hiển nối dài, cống Bàu Chấu, Trường THPT Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; các công trình thủy lợi, lưới điện, bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa - thể thao, hạ tầng nông thôn mới cũng được triển khai và đẩy nhanh tiến độ đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (trong năm có 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn đồng thời tạo diện mạo mới cho tỉnh. Thưa ông, được biết năm 2016, Cà Mau sẽ tập trung cho khâu đột phá về cải cách thủ tục hành chính, là khâu để thu hút đầu tư và phát triển toàn diện. Theo ông, tỉnh sẽ định hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm nào? Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau 5 năm 2016 – 2020 với mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm 2016, tỉnh xác định cải cách hành chính là một trong các khâu đột phá để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đồng thời từng bước cải thiện thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Để thực hiện mục tiêu trên, sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: Một là, bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, có trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành các lĩnh vực và trong hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính bảo đảm đúng tiến độ theo quy định. Tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính trong triển khai dự án đầu tư tại các cấp chính quyền địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ. Hai là, coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy do tỉnh ban hành, thường xuyên rà soát, sửa đổi những quy định, quy chế không còn phù hợp. Ba là, tiếp tục đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp và cho các tổ chức, cá nhân so với thời gian tối đa của quy định chung. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, các chính sách hỗ trợ để định hướng cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và đảm bảo quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro trong sản xuất kinh doanh nghiệp. Bốn là, xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh. Nhằm từng bước đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV, Cà Mau sẽ có những giải pháp, thu hút mạnh ở lĩnh vực nào để tạo sức bật mới phát huy hiệu quả tiềm năng vào bậc nhất của vùng? Để thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, phải khai thác được lợi thế của tỉnh và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Cà Mau đến năm 2020. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng bằng các hình thức như: hợp tác công - tư (PPP), xã hội hóa... Tập trung đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn, Khu công nghiệp Khánh An; xúc tiến nhanh các thủ tục để sớm triển khai đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, dự án nhà máy điện gió tại Khai Long, huyện Ngọc Hiển. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung ở những lĩnh vực, ngành nghề các địa phương có cùng thế mạnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; chăm lo phát triển văn hóa, thể thao; thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp tham nhũng, lãng phí. Và cuối cùng Cà Mau vừa tập trung đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc gắn với giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo...
Huy Tự
Theo báo đầu tư