The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cà Mau - Quyết tâm cải thiện chất lượng điều hành

Ông Phạm Thành Tươi - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: để chuyển nhận thức và hành động từ "quản lý DN" sang "phục vụ DN"; đồng thời đổi mới hình thức quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" và tăng tính tự chịu trách nhiệm cho DN, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Đề án "Nâng cao chỉ số PCI đến năm 2020".
Mục tiêu Cà Mau đặt ra cho các năm tới là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI của địa phương mình. Ông có thể cho biết cụ thể hơn các mục tiêu và giải pháp đó?
Theo kết quả công bố của VCCI, trong 2 năm gần đây (2012-2013) PCI tỉnh Cà Mau đều bị tụt hạng, với thứ hạng và điểm số thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, cảm nhận của nhà đầu tư và kết quả thu hút đầu tư vẫn chưa tương xứng với điều kiện, tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Do đó, để tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND đã ban hành Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 phê duyệt Đề án Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau đến năm 2020. Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế đã, đang và sẽ tham gia đầu tư kinh doanh, tạo động lực, thu hút ngày càng nhiều các DN trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh Cà Mau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện PCI tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2020. Trong đó: Giai đoạn 2014 - 2015 phấn đấu cải thiện điểm các chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng và điểm số PCI của tỉnh, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “khá”. Giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu cải thiện điểm các chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành “tốt” và tiếp tục duy trì, phấn đấu vào vị trí top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành dẫn đầu.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND đã xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc, trong đó tập trung các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kế hoạch và các giải pháp của tỉnh nhằm cải thiện PCI.
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, hỗ trợ DN tiếp cận vốn ưu đãi của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất kinh doanh. Xây dựng thương hiệu DN nhằm quảng bá vị trí, hình ảnh và những đóng góp của DN vào nền kinh tế của tỉnh, giải quyết các vấn đề xã hội. Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ, xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ của doanh nhân.
Thứ ba, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện các quy định của nhà nước. Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính một cách toàn diện, triệt để theo hướng minh bạch, quy định rõ thời gian giải quyết hồ sơ và ngày hẹn trả kết quả. Tạo kênh thông tin (cung cấp đường dây nóng, hộp thư điện tử) giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo tâm lý yên tâm cho DN.
Thứ tư, triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Đề án nâng cao PCI tỉnh Cà Mau đảm bảo hiệu quả, đúng thời gian tiến độ.
Thứ năm, các Hiệp hội DN, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hiệp hội nghề nghiệp khác và các DN trên địa bàn tỉnh tích cực hợp tác, tăng cường đối thoại với các cấp chính quyền, tạo cơ chế thông tin hiệu quả, góp phần cải thiện tích cực môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không khỏi không có khó khăn. Cách thức để giải quyết và vượt qua những khó khăn của Cà Mau là gì, thưa ông?
Những năm gần đây, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh chưa cao. Đồng thời, Cà Mau thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn.
Hơn nữa, một bộ phận cán bộ, công chức chưa đánh giá đúng vai trò, đóng góp của DN đối với nền kinh tế tỉnh nhà. Bên cạnh đó, do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc xử lý những vướng mắc, kiến nghị của DN chưa được chặt chẽ, giải quyết chưa kịp thời, thời gian kéo dài, thiếu thông tin về cơ chế chính sách... đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý trong công tác điều hành.
Xác định được những khó khăn, hạn chế trên, vừa qua bên cạnh việc xây dựng Đề án Nâng cao PCI tỉnh Cà Mau đến năm 2020, UBND tỉnh đã chủ trì phối hợp với VCCI chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội thảo đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Cà Mau và giải pháp cải thiện vào ngày 27/5/2014, cùng với sự có mặt của trên 100 đại biểu đại diện các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tại hội thảo đã nghe chuyên gia VCCI phân tích đánh giá PCI tỉnh Cà Mau trong năm qua, cũng như giới thiệu các bài học kinh nghiệm và mô hình thực tiễn tốt của các địa phương khác trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và dự báo tình hình môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian tới.
Từ đó, tỉnh đã triển khai các giải pháp thực hiện như sau:
Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phải tiên phong lắng nghe ý kiến của công dân và DN, xem đây là kênh phản biện về công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách của Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ của Trung ương theo hướng hài hòa lợi ích giữa nhà nước và DN, DN và người dân. Thực hiện nghiêm túc thời gian giải quyết công việc đã được quy định trong quy chế làm việc tại cơ quan, đơn vị theo hướng giải quyết nhanh nhất có thể.
Hàng năm, cần tổ chức khảo sát lấy thông tin từ các DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kịp thời tổng hợp, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN về những lĩnh vực mà DN quan tâm, bức xúc. Từ đó, tổ chức các buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng DN để tìm giải pháp tháo gỡ, tạo niềm tin cho DN đối với chính quyền.
Đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN.
Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức nắm vững các chính sách, quy định hiện hành trong khuôn khổ pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN kịp thời, hiệu quả.
Triển khai thực hiện chế độ khảo sát về sự hài lòng của DN đối với cơ quan quản lý nhà nước, qua đó kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc phục vụ DN và người dân.
- Từ những giải pháp đã nêu, Chủ tịch kỳ vọng gì trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới?
Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các các ngành, các cấp cùng với sự hợp tác của cộng đồng DN, PCI tỉnh Cà Mau năm 2014 và những năm tiếp theo sẽ có nhiều cải thiện đáng kể, sẽ tạo ra nhiều bước đột phá mới trong cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh, hoàn thành mục tiêu Đề án nâng cao PCI tỉnh Cà Mau đến năm 2020 đã đề ra nhằm thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

- Xin cảm ơn ông !

Quốc Chánh (thực hiện)

Theo Báo Mới