The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cà Mau: Quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Ngày 28/7, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lâm Văn Bi, Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Mai Hữu Chinh cùng Trưởng Ban pháp chế VCCI kiêm Giám đốc Dự án PCI Đậu Anh Tuấn đồng chủ trì hội nghị bàn giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2016 và các năm tiếp theo.

PCI liên tục sụt giảm, tuột hạng qua các năm, riêng tại khu vực ĐBSCL, Cà Mau luôn đứng thứ 13/13 tỉnh, thành. Với quyết tâm cao nhất, trong đó tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư, Cà Mau đề ra mục tiêu năm 2016 không có chỉ số thành phần có điểm thấp hơn điểm số trung bình của cả nước; năm 2017 sẽ nâng cao điểm số các chỉ số thành phần có điểm thấp hơn điểm số trung bình cả nước, phấn đấu đưa PCI Cà Mau lọt vào nhóm trung bình khá cả nước; đến năm 2018, hoàn thiện các chỉ số thành phần, đưa Cà Mau bước vào nhóm có PCI khá cả nước.

Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn giới thiệu chung về Chỉ số PCI, môi trường kinh doanh của Cà Mau qua Chỉ số PCI. Nhấn mạnh đến việc đánh giá về năng lực điều hành, cải cách thủ tục hành chính đến chính sách phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, theo ông Đậu Anh Tuấn, nền kinh tế phát triển được biểu hiện thông qua phát triển kinh tế tư nhân và thu hút nguồn FDI, mà minh chứng qua nguồn thu ngân sách địa phương, song những nội dung này, Cà Mau chưa có sự chuyển biến, còn nhiều hạn chế.

TS Nguyễn Đức Nhật, Chủ tịch Vietsurvey Research and Analysis, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế và Quản lý Viện Quản trị kinh doanh (Trường Đại học FPT), cho rằng, chỉ khi nào ý chí của lãnh đạo tỉnh đồng điệu với lãnh đạo các sở, ngành cùng với các DN thì mới mong cải thiện được chỉ số PCI.

Theo TS Nguyễn Đức Nhật, cần thay đổi mạnh mẽ trong công tác lập kế hoạch và giám sát thực thi PCI. Trong đó, cần có sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan (họp trực tiếp giữa Sở KH&ĐT, Sở ngành liên quan và đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp). Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp thông báo lại các thành viên về tiến trình và nỗ lực của các cơ quan hữu quan. UBND tỉnh nên có văn bản nhắc hằng tháng đối với các sở, ngành về việc thực hiện các giải pháp để cải thiện PCI. Có nhiều hình thức trao đổi với các doanh nghiệp hằng tháng các tỉnh đã thực hiện đem lại hiệu quả mà Cà Mau nên học hỏi như: Mô hình cà phê doanh nhân, câu lạc bộ doanh nghiệp, góc truyền hình/báo đài đối thoại DN, các chương trình truyền thông theo chủ đề hỗ trợ doanh nghiệp, trưng cầu ý kiến sáng tạo của doanh nghiệp và cán bộ...

"Ngoài trách nhiệm công vụ và công chức, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cần cân nhắc, xem xét những nội dung, hình thức khen thưởng, đánh giá chất lượng, công tác cán bộ phù hợp với thành tích. Sở KH&ĐT chủ trì với sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp trong đặt mục tiêu, nhận trách nhiệm với lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Mỗi sở, ngành phải bố trí cán bộ và nguồn lực hợp tác tối đa với Sở KH&ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp về lĩnh vực mình phụ trách. Hiệp hội Doanh nghiệp cần xác định tham gia vào công tác cải thiện chất lượng dịch vụ công, PCI ở tỉnh là cơ hội xây dựng hiệp hội lớn mạnh. UBND tỉnh cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch nhằm nâng cao PCI", TS Nguyễn Đức Nhật đề xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các sở, ngành, các đơn vị có liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, sự hài lòng của nhà đầu tư, của doanh nghiệp để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi, tạo sự tăng trưởng kinh tế trong tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc toàn diện của các ngành, các cấp trong tỉnh cùng tham gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu, đẩy mạnh CCHC, rà soát, đề xuất hợp lý hoá, giảm bớt các TTHC gây khó khăn, phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tăng cường kiểm tra công vụ công chức viên chức, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ trực tiếp tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra giám sát để xử lý những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiên hà cho công dân trong giải quyết TTHC. Trước mắt cải thiện ngay 7/10 chỉ số thành phần PCI có biểu hiện tiêu cực trong năm 2016./.

CMO-HNP

Báo Cà Mau