Cà Mau: Tạo sự cạnh tranh bình đẳng để thúc đẩy doanh nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh có vai trò vô cùng quan trọng, nó được coi là động lực của sự phát triển, không chỉ của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp mà cả nền kinh tế nói chung.
Khi chúng ta nhìn nhận chế định “cạnh tranh bình đẳng” dưới góc độ quy luật vận động của nền kinh tế thị trường, cho thấy đây là chế định có ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan đến khả năng linh động, tự chủ, sáng tạo trong việc nắm bắt và xác định yếu tố mang tính quy luật của thị trường… Qua đó, quyết định chiến lược kinh doanh (KD) của doanh nghiệp (DN). Việc đảm bảo thực thi hiệu quả các cơ chế bình đẳng trong hoạt động của các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất KD là vấn đề vô cùng quan trọng. Đây cũng là điều kiện cơ bản để chúng ta thực hiện các cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Rõ ràng quyền tự do KD của doanh nhân, DN và cá nhân cũng như sự bình đẳng giữa DN nhà nước, DN FDI và DN dân doanh đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật DN năm 2005. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phân biệt lại thể hiện khá rõ. Qua nghiên cứu cho thấy phần lớn các DN dân doanh là các DN nhỏ và vừa, chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN FDI. Có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay có khoảng 1/3 DN dân doanh cho rằng việc chính quyền tỉnh ưu ái cho DNNN do Trung ương quản lý là một trở ngại đối với hoạt động của họ. Ưu ái mà chính quyền tỉnh dành cho các DNNN thể hiện rất đa dạng: Tiếp cận đất đai; vay vốn, tín dụng; khoáng sản; thực hiện các thủ tục hành chính, lĩnh vực mua sắm công... Nhiều chính quyền địa phương có tâm lý ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển kinh tế tư nhân.
Thực tế đã qua, mối lo ngại lớn khác đối với các DN dân doanh hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh của những DN "thân hữu" và những DN lớn có mối quan hệ với cán bộ chính quyền địa phương. Theo kết quả khảo sát 63 tỉnh/thành phố thì tại tỉnh trung vị có tới 96% DN dân doanh đồng ý cho rằng "hợp đồng, đất đai, sự ưu ái, đãi ngộ và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh". Đây là kết quả thực sự đáng lo ngại, dự báo tín hiệu không mấy khả quan trong môi trường KD.
Mong được cạnh tranh bình đẳng, cộng đồng các DN dân doanh luôn tìm cách và kiến nghị Nhà nước cần kiên trì thực hiện các mục tiêu đã được xác định. Trong đó "phải chuyển mạnh Nhà nước điều hành kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển", "đẩy mạnh cải cách DNNN, đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi bao cấp tồn tại trên thực tế; minh bạch hoạt động các DNNN...". Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KD. Trong đó có các quy định bảo đảm hơn nữa quyền tự do KD và sự bình đẳng giữa các chủ thể KD và thiết lập cơ chế giám sát thật sự hữu hiệu, tránh tình trạng DN nhà nước độc quyền, thống trị trên các lĩnh vực: Điện, viễn thông, xăng dầu... và cho phép tư nhân cùng KD để hạn chế tình trạng độc quyền. Để làm được điều này, trước tiên phải có sự chuyển biến tích cực về tư duy và có hành động thiết thực tại các cơ quan quản lý nhà nước mới xây dựng nên môi trường cạnh tranh bình đẳng thực sự. Điều này thể hiện rất cụ thể quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 trong việc tiếp tục cải thiện môi trường KD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016. Đây được xem là nhiệm vụ rất quan trọng.
Cạnh tranh bình đẳng là Chỉ số thành phần mới được bổ sung vào chỉ số PCI năm 2014, mục đích xác định một số định lượng mang tính khác biệt cơ bản đang tồn tại giữa các thành phần kinh tế: Mức độ ưu ái; thuận lợi trong tiếp cận đất đai; thuận lợi trong tiếp cận các khoản tín dụng; trong cấp phép khai thác khoáng sản; thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản hơn; dễ dàng có được các hợp đồng từ cơ quan nhà nước là đặc quyền dành cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước.
Tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước; tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân; thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai; miễn giảm thuế thu nhập DN; thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản; nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn từ tỉnh; thực hiện các hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh là đặt quyền của các DN FDI; sự ưu đãi với các công ty lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho hoạt động KD của bản thân các thành phần kinh tế.
Theo kết quả xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh bình đẳng 2014, tỉnh Cà Mau đạt 5.89 điểm, năm 2013 chỉ đạt 5.21 điểm, chúng ta có cải thiện về kết quả thực hiện chỉ số này, nhưng mức độ không đáng kể, cần có giải pháp thực hiện tốt hơn nữa đối với chỉ số này trong năm 2015.
VĂN SỬ
Theo Báo Đất Mũi ngày 01/06/2015