The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cà Mau: Trong tháng 8 phải công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức họp bàn giải pháp cải thiện Chỉ số Năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) vào sáng 17/7.

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI tỉnh Cà Mau năm 2018 đạt 61,73 điểm, tăng 1,9 điểm so với năm 2017. Trong 3 năm gần đây, PCI của tỉnh Cà Mau đều tăng hạng và điểm số so với cả nước, thuộc nhóm trung bình. Tuy nhiên, nếu so với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, những năm gần đây, vị trí xếp hạng PCI của tỉnh chưa được cải thiện, xếp thứ 13/13 tỉnh, thành phố.

PCI tỉnh Cà Mau năm 2018 có 5/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2017 và cao hơn điểm trung vị cả nước, gồm: chi phí gia nhập thị trường xếp hạng cao nhất (4/63) trong 10 chỉ số thành phần PCI; chỉ số tính minh bạch xếp hạng 22/63, tăng 34 hạng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp hạng 24/63, tăng 19 hạng; cạnh tranh bình đẳng xếp hạng 18/63; chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước xếp hạng 17/63.

PCI của tỉnh Cà Mau 2018 vẫn còn 5/10 chỉ số thành phần có điểm số và xếp hàng thấp hơn trung bình cả nước, gồm: thiết chế pháp lý 59/63; đào tạo lao động 58/63; tính năng động 53/63; tiếp cận đất đai 52/63; chi phí không chính thức 37/63.

Đánh giá về môi trường kinh doanh của tỉnh Cà Mau năm qua, Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho biết, đối với các chỉ số về chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đào tạo lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian tới, tỉnh Cà Mau cần tiếp tục duy trì và nỗ lực cải thiện lĩnh vực tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Để cải thiện chỉ số PCI năm 2019 và những năm tiếp theo, Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, tỉnh Cà Mau cần đẩy mạnh thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với 7 giải pháp cụ thể. Cần rà soát lại môi trường kinh doanh của mình theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI 2018. Tăng cường gặp mặt, đối thoại DN ở nhiều cấp độ, từ cấp tỉnh đến các sở ngành theo địa bàn, theo nhóm DN với những vấn đề… Phải đảm bảo các cuộc gặp mặt, đối thoại này có sự tham gia của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cần xây dựng chương trình để hỗ trợ DN tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn, thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành DN. Song song đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website, đặc biệt là đăng tải đầy đủ các thông tin như các quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đề nghị Sở Nội vụ làm rõ nội dung đánh giá kết quả thực hiện của từng sở để gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ chung, làm cơ sở đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng hằng năm. Trong tháng 8 phải thông tin đầy đủ đến người dân, DN về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng. Bộ TTHC áp dụng cho từng ngành, lĩnh vực đều phải được công khai đầy đủ và các sở, ngành phải đồng hành cùng DN. Năm 2019 và những năm về sau chỉ số về chi phí không chính thức phải được cải thiện triệt để và nghiêm túc, giám đốc các sở, chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải thực hiện nghiêm túc vấn đề này.

Hồng Phượng

Theo Báo Cà Mau