Cà Mau: Xử lý kịp thời những kiến nghị qua app phản ánh hiện trường
29 Tháng 8, 2022
App phản ánh hiện trường trên ứng dụng CaMau-G được xem là công cụ giúp người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan Nhà nước nhanh chóng, thuận tiện thông qua điện thoại thông minh.
Chính thức vận hành từ đầu tháng 7/2022, được xây dựng theo Quyết định số 17/2022/QĐ-UBND, ngày 7/6/2022, của UBND tỉnh Cà Mau về Quy định tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau, App phản ánh hiện trường đã mang lại những kết quả bước đầu tích cực.
Theo ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, với ứng dụng này, các cơ quan Nhà nước có thể tiếp nhận nhanh chóng thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp để kịp thời đưa ra phương án xử lý. Từ đó, phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Ngoài ra, ứng dụng phản ánh hiện trường cung cấp số liệu phản ánh, xử lý phản ánh theo thời gian thực tế phục vụ cho công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 1 tháng chính thức đưa vào vận hành ứng dụng app phản ánh hiện trường, lượt tương tác của người dân đã tăng lên đáng kể. Tính đến thời điểm này, đã có gần 150 phản ánh hiện trường được gửi đến ứng dụng, chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: điện, đường giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, hạ tầng đô thị… Trong đó, có 144 phản ánh hiện trường đã xử lý, 04 phản ánh hiện trường đang xử lý...
Ông Lê Văn Ngời, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, app phản ánh hiện trường bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm, ý thức xã hội và huy động tính cộng đồng của mỗi người dân đối với công tác giám sát, quản lý hoạt động của chính quyền, xã hội; kéo gần hơn nữa khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Thông qua ứng dụng, các ý kiến phản ánh của người dân được các cấp, ngành chức năng xử lý kịp thời, công khai, minh bạch. Từ đó, góp phần tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số trong tương lai.
Cụ thể, quy trình tiếp nhận, xử lý các phản ánh gồm: Cổng Thông tin điện tử tiếp nhận nội dung trực tiếp từ tổ chức, cá nhân thông qua ứng dụng di động trên app CaMau-G và phân ra theo lĩnh vực, sau đó chuyển cho cơ quan chuyên môn. Cơ quan chuyên môn tiếp nhận, cử cán bộ phụ trách liên hệ với tổ chức, cá nhân gửi phản ánh và xuống địa bàn khảo sát, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc để có hướng xử lý. Khi có hướng xử lý thì cơ quan chuyên môn chuyển nội dung xử lý cho Cổng Thông tin điện tử phản hồi cho tổ chức, cá nhân.
Ông Trần Quốc Chính cho biết, việc vận hành app phản ánh hiện trường sẽ từng bước đưa công nghệ số đến với người dân, cộng đồng dân cư để giao tiếp, tương tác với các cấp chính quyền, phát huy sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số ở mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian. Đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, phản ánh của người dân. Người dân và cấp quản lý có thể giám sát, tương tác, đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan. Qua đó, hỗ trợ tốt trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh; tạo ra mối liên kết chặt chẽ, sự tin tưởng của người dân vào chính quyền.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài để người dân hiểu và nắm rõ quy định. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng và tham gia phản ánh hiện trường; xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá kết quả xử lý cũng như công khai minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị để xử lý nội dung phản ánh đảm bảo kịp thời, hiệu quả...