The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cà phê doanh nhân: Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Vẫn là “Cà phê doanh nhân” nhưng bằng cách làm mới, sáng tạo, luân phiên tổ chức tại các địa phương, tăng tần suất tổ chức. Thay đổi này đã thổi luồng gió mới, góp phần thắt chặt gắn kết giữa lãnh đạo tỉnh với các tổ chức kinh tế.
Mô hình Cà phê doanh nhân giúp kết nối chặt chẽ lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điểm hẹn hữu ích
Mô hình “Cà phê doanh nhân” đã ra đời mấy năm trước và được Hiệp hội Doanh nghiệp phối hợp cùng Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan duy trì hàng tháng. Đây là nơi gặp gỡ, chia sẻ để chính quyền, cơ quan quản lý, sở, ngành chuyên môn và doanh nghiệp hiểu nhau hơn, xử lý công việc nhanh, tốt hơn và cũng là cách mà tỉnh hiện thực hóa phương châm hoạt động “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.
Cà phê doanh nhân đồng hành và chia sẻ.
Bước qua giai đoạn khó khăn nhất vì dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp Hậu Giang cùng với sự đồng hành của địa phương đang dần lấy lại phong độ và bắt đầu có những bước tiến mới. Điển hình như chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hậu Giang trong năm 2022 đã tăng 26 bậc, để vươn lên đứng hạng 3 của khu vực ĐBSCL và hạng 12/63 tỉnh, thành cả nước (năm 2021 tỉnh Hậu Giang xếp hạng 38/63 tỉnh, thành), nằm trong nhóm điều hành kinh tế “tốt” của cả nước.
Cùng với việc tăng hạng về Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang cũng được ghi nhận với kết quả hết sức khả quan: năm 2022 tốc độ tăng trưởng đạt 13,94% dẫn đầu khu vực ĐBSCL, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành; quý I và 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 14,21% và Hậu Giang đã vươn lên dẫn đầu cả nước.
Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, cho biết: Ở Hậu Giang, doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh rất thân thiện, tình cảm, không còn khoảng cách giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp. Việc tổ chức các buổi “Cà phê doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp có dịp trao đổi, chia sẻ để tháo gỡ những khó khăn kịp thời. Ngoài ra, việc trao đổi bằng điện thoại thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, UBND tỉnh đã có những ghi nhận, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào việc xây dựng những chủ trương, chính sách để cùng góp phần vào sự phát triển nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Chí Tâm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vừa dịch bệnh xong tới khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính. Để tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, phát triển kinh tế - xã hội thì Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành có liên quan đưa chương trình “Cà phê doanh nhân” xuống từng địa phương và tăng cường tần suất thay vì chỉ diễn ra tại thành phố Vị Thanh, trung tâm hành chính tỉnh. Thay đổi này nhằm tạo điều kiện tốt và thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cùng tham gia.
“Năm nay, Hiệp hội Doanh nghiệp sẽ luân phiên tổ chức Cà phê doanh nhân định kỳ vào ngày thứ bảy, tuần đầu tiên của mỗi tháng. Mỗi kỳ sẽ được tổ chức tại 4 đơn vị cấp huyện và được chia làm 2 cụm. Cụm 1 gồm: huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Cụm 2 gồm: thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và huyện Châu Thành. Hiệp hội Doanh nghiệp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình Cà phê doanh nhân nên có ý kiến đóng góp để tăng hiệu quả chương trình”, ông Nguyễn Chí Tâm chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, trong các chương trình Cà phê doanh nhân tới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị bố trí khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm của hội viên, doanh nghiệp để mọi người cùng trải nghiệm, tìm hiểu. Đặc biệt, khi tham gia chương trình, những doanh nghiệp, đơn vị có những ý kiến đóng góp hữu ích giúp lãnh đạo tỉnh trong việc định hướng những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế địa phương thì sẽ được tặng ứng dụng “giao dịch hợp đồng điện tử” do Mobiphone tài trợ.
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho rằng: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức. Đầu tiên là chuyển tư duy từ “quản lý hành chính” sang tư duy “phục vụ” thay vì “cho phép, cấp phép” sang “được phép”. Lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm phục vụ để hướng các cơ chế chính sách về họ, mang đến các trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân. Với quan điểm “tạo cơ hội cho doanh nghiệp bản địa phát triển là một trách nhiệm”, từ đó tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ hướng về doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp, ươm mầm khởi nghiệp.
“Kiện toàn Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và phát huy vai trò 2 tổ chức này để cộng đồng doanh nghiệp có sự gắn kết, liên kết và hỗ trợ nhau thông qua hoạt động Cà phê doanh nhân, đào tạo, tập huấn, triển khai các văn bản - chủ trương mới, hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… hình thành nền văn hóa doanh nghiệp lớn đỡ đầu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền gần nhau hơn, hiểu nhau hơn”, ông Nguyễn Đăng Hải nhận định.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Hiện, tỉnh có hơn 3.500 doanh nghiệp kê khai thuế, điều này thể hiện sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Từ chỗ không ai biết đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đến giờ những khó khăn của các đơn vị được Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp phản ánh kịp thời với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành từ đó từng bước tháo gỡ. Đây là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp trong tỉnh, chúng tôi rất mừng với sự thành công đó”.
Lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành với sự phát triển của Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với khẩu hiệu “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang và khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”, ông Đồng Văn Thanh khẳng định.