Sức ép tăng trưởng
Đóng góp vào tăng trưởng GDP năm 2016 của nền kinh tế vĩ mô là nỗ lực của các địa phương. Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng càng cao thì các địa phương cũng phải dựa vào đó để phấn đấu. Hơn nữa, sự phát triển của mỗi địa phương cũng là cơ sở để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nên đây là sức ép lớn buộc các địa phương phải tìm ra hướng đi đúng đắn.
Tiêu biểu như Thái Nguyên những năm gần đây đang nổi lên là địa phương có tốc độ phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn kinh tế lớn. Theo chỉ số xếp hạng PCI, năm 2011, địa phương này chỉ đứng thứ 57/63 tỉnh thành, thì đến năm 2014, địa phương này bất ngờ vươn lên thuộc top 10 địa phương có chỉ số cao nhất cả nước. Tính đến năm 2016, Thái Nguyên đã lần thứ 2 liên tiếp ở vị trí thứ 7.
Một nguyên nhân rất dễ nhận thấy cho sự tăng trưởng mạnh của địa phương này là vào tháng 3/2014, Tập đoàn Samsung đã đưa vào hoạt động tổ hợp công nghệ mới tại KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên (SEVT) với vốn đầu tư 5 tỷ USD. “Siêu dự án” này của Samsung không những mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương mà còn kéo theo nhiều nhà đầu tư khác đến từ Hàn Quốc và thúc đẩy các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ của tỉnh phát triển.
Về vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, có được kết quả nêu trên là nhờ sự cố gắng nỗ lực của lãnh đạo tỉnh và sự đồng hành của cộng đồng DN. Tỉnh đang cố gắng cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, tỉnh Thái Nguyên vẫn còn một số chỉ số thấp điểm như: Cạnh trang bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ DN… Vì thế, đại diện tỉnh Thái Nguyên cho biết, lãnh đạo tỉnh đang tìm nguyên nhân và giải pháp để cố gắng phấn đấu các chỉ số đảm bảo theo đúng nguyện vọng của DN.
Tuy vậy, “niềm vui” của tỉnh Thái Nguyên lại tạo “nỗi buồn” cho tỉnh Bắc Ninh.
Cũng từ năm 2014, khi Thái Nguyên vọt tăng về các chỉ số thì Bắc Ninh lại có sự lùi dần về thứ hạng PCI. Nếu như PCI năm 2014, Bắc Ninh đứng thứ 10 thì đến PCI 2016, tỉnh này đã lùi xuống thứ 17. Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng thừa nhận sự biến động của các dự án lớn, trong đó đặc biệt là việc Samsung đã ảnh hưởng khá lớn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh.
Tất nhiên, các địa phương không thể giữ tâm lý “dựa hơi” tập đoàn lớn để phát triển mà phải tự ý thức về khả năng phát triển, cũng như phải tìm ra giải pháp để nâng cao năng lực phát triển chung của toàn tỉnh, thành phố.
Là địa phương liên tục dẫn đầu về chỉ số PCI, lãnh đạo TP. Đà Nẵng vẫn chưa hài lòng với những kết quả trên. Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, trong thang điểm 100, TP.Đà Nẵng với đạt 70 điểm, nghĩa là còn 30 điểm nữa để thành phố phấn đấu, không phải dẫn đầu là kết thúc ngay, là tự hài lòng với thành quả. Bởi theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các địa phương vẫn liên tục cải cách và đổi mới, nếu Đà Nẵng không vươn lên thì sẽ thụt lùi. Đà Nẵng có nền tảng được DN hoan nghênh thì phải biết nắm giữ và phát huy, bằng chứng là Đà Nẵng đã từng đứng ở vị trí thứ 12 vào năm 2012.
Cũng là một tỉnh liên tục thuộc vị trí top 10 trong bảng xếp hạng của PCI, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn đầy trăn trở trong việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi tỉnh này vẫn là tỉnh nông nghiệp, trong khi lĩnh vực này luôn tồn tại nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Hơn nữa, phát triển và thu hút được DN nông nghiệp rồi thì địa phương phải tìm “đầu ra” cho sản phẩm, nên cần một tầm nhìn lãnh đạo để liên kết các lĩnh vực kinh tế, giúp ích cho sự phát triển chung.
Cạnh tranh riêng, phát triển chung
Có thể thấy, trong 5 năm gần đây, các địa phương đều đề ra chiến lược phát triển chung, khiến các chỉ số và nhận định của DN đều tăng lên theo từng năm. Báo cáo PCI 2016 cho biết, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, nơi còn nhiều tỉnh nằm trong nhóm có chất lượng điều hành thấp hoặc tương đối thấp, trong 2 năm qua, đã có nhiều chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh hơn các vùng miền khác. Trong hai năm 2015 và 2016, ít nhất có 28 địa phương ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, trong đó có 8 tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, một điều đáng quan ngại mà báo cáo này chỉ ra, trừ Đà Nẵng và một vài tỉnh tiếp tục có xu hướng thay đổi tích cực, các tỉnh “ngôi sao” của bảng xếp hạng đang lặp lại xu hướng: Cải cách tới ngưỡng và thiếu sự bứt phá mạnh mẽ. Thời gian tới, các sáng kiến mới, cách làm mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế sẽ là một trong những thách thức lớn đối với các địa phương. Nhưng tín hiệu tích cực là việc chia sẻ, học tập và áp dụng các bài học kinh nghiệm cải thiện môi trường kinh doanh giữa các địa phương thời gian qua diễn ra rất sôi nổi.
Nói về tín hiệu tích cực này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, chính việc chấm điểm năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tạo động lực cho liên kết giữa các địa phương, không chỉ liên kết cùng phát triển kinh tế mà còn nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Những mô hình như trung tâm hành chính công, cà phê doanh nhân, chương trình xây dựng và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở ngành… đang có sức lan tỏa tốt, các địa phương không chỉ học hỏi mà còn nâng cấp, cải tiến để có hiệu quả cao hơn, phù hợp với thực tế địa phương.
“Nhưng vấn đề là phải làm sao để thực chất, từ nhu cầu của người dân, DN và địa phương, không nên làm vì phong trào, vì sự cạnh tranh phải vươn lên bằng được của địa phương”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, việc các địa phương cạnh tranh để nâng cao chỉ số PCI là điều cần thiết, không chỉ giúp mỗi địa phương tự rà soát, kiểm tra lại mình để có những điều chỉnh phù hợp, mà còn để thấy được mô hình, phương pháp của các địa phương làm tốt để học hỏi, phấn đấu vươn lên.
Chính nhờ những quan điểm này, báo cáo PCI 2016 đã chỉ ra, khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và nhóm cuối đã thu hẹp đáng kể, hiện chỉ còn 17 điểm, thấp hơn mức 19 điểm năm 2015. Đây có thể là thành quả khi nhiều tỉnh thuộc nhóm cuối đã học hỏi và áp dụng bài học kinh nghiệm của các tỉnh “tiên phong” trong các lĩnh vực cải cách tương đối dễ dàng như rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, cắt giảm chi phí không chính thức hay tình trạng nhũng nhiễu nơi công quyền.