The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải cách hành chính 2021: Điểm nhấn Nghị quyết số 76/NQ-CP

Dù phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, thế nhưng, 2021 vẫn là năm để lại nhiều dấu ấn, trong đó, Nghị quyết số 76/NQ-CP về cải cách hành chính được cho là điểm nhấn…
Để tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”.
Theo đó, Chương trình tập trung vào 06 nội dung bao gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính, Chương trình đặt mục tiêu cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính Nhà nước. Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Về cải cách tài chính công, mục tiêu Chương trình đặt ra là đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Hay như về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chương trình cũng đặt ra mục tiêu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức…
Đáng nói, về các nội dung cải cách, Nghị quyết cũng đưa ra những mục tiêu chi tiết chia theo từng giai đoạn như: giai đoạn 2025 và giai đoạn 2030.
Và để Nghị quyết sớm đi vào thực tế, ngày 02/9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ -Phạm Bình Minh cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Nội dung Chỉ thị nêu rõ: Cải cách hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo các chuyên gia, cải cách hành chính là một trong những kênh quan trọng không chỉ giúp “vực dậy” hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau những tác động tiêu cực đến từ dịch bệnh COVID-19 mà còn khơi thông nguồn lực phát triển. Trong đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, tạo rào cản, gây khó khăn cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp, ngoài việc góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển còn đưa công tác này sớm đạt mục tiêu, đến năm 2025, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 20% số quy định, 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thực tế, dù chưa có công bố chính thức, tuy nhiên, năm 2021 về cải cách hành chính đã tạo ra được nhiều dấu ấn và điểm nhấn xuất phát từ Nghị quyết số 76/NQ-CP về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, có thể kể đến một số lĩnh vực như: Y tế, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp, Đầu tư, Thuế, Hải quan, Tư pháp.
Và để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong năm 2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022.
Cụ thể, tập trung sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để kịp thời khơi thông, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Ban hành theo thẩm quyền các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện.
Như vậy, với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách hành chính Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.