Cải cách hành chính ở Thái Nguyên, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, cải cách hành chính (CCHC) nói chung và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng thể hiện rõ nét nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, đặc biệt là mối quan hệ với các doanh nghiệp.
Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên luôn tích cực đẩy mạnh công tác CCHC tại địa phương, tạo cơ chế, chính sách hợp lý, thông thoáng, gọn nhẹ để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và duy trì, nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đang được xếp hạng ở vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng PCI cả nước, tiếp tục nằm trong tốp 10 bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất và đứng ở vị trí thứ 2 bảng xếp hạng các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc với tổng số 61,21 điểm. Để có được kết quả trên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách TTHC thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép xây dựng, đất đai, thủ tục đầu tư, nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế. CCHC đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, góp phần tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (tăng 25%/năm) và nâng cao chỉ số GDP bình quân đầu người.
Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án và Kế hoạch đẩy mạnh công tác CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, trong đó xác định rõ mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.
UBND tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại gần 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Tỉnh còn tổ chức các cuộc họp Ban chỉ đạo CCHC, tăng cường giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên mọi địa bàn xã, phường trong tỉnh.
Việc kiểm tra công tác CCHC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đồng nhất. Trong giai đoạn I (2011-2015), Đoàn kiểm tra đã thực hiện 23 lượt kiểm tra đột xuất, không báo trước tại các đơn vị sở, ngành; 47 lượt kiểm tra tại các đơn vị cấp huyện, xã; Đồng thời, còn theo dõi việc thực hiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương cho cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả CCHC chung của tỉnh. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác kiểm tra như: Thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Lương, huyện Định Hóa, thị xã Phổ Yên...
Sở Nội Vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền CCHC chi tiết theo từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc thực hiện công tác CCHC, đặc biệt nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình CCHC.
Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện nhiều chuyên trang, chuyên mục và đưa tin, bài tuyên truyền về thực hiện CCHC. Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Thái Nguyên và Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh đã đăng tải 16 chương trình qua 40 chuyên mục như: “ Pháp luật và đời sống”, “Văn bản chính sách pháp luật”, “Gặp gỡ - Đối thoại”, “Dân hỏi - Cơ quan chức năng trả lời”… cùng hàng nghìn tin, bài, ảnh về nội dung CCHC. Bản tin CCHC (xuất bản với số lượng 680q/số/quý) và Hội thi “Tìm hiểu CCHC tỉnh Thái Nguyên" do Sở Nội Vụ phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức đã góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và cá nhân, tổ chức về tính công khai, minh bạch của các TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận - Trả kết quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch, giải quyết TTHC ở địa phương.
Tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị sở, ban, ngành tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung thêm cơ chế, chính sách giúp HĐND, UBND ban hành trên 300 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ở nhiều lĩnh vực quan trọng như: Đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, chính sách xã hội, giáo dục… 100% văn bản QPPL của HĐND và UBND đều được thẩm định và ban hành đúng trình tự, thẩm quyền theo quy định.
Cải cách TTHC ở Thái Nguyên luôn khẳng định là một trong những khâu đột phá, làm đơn giản hóa các thủ tục theo hướng tinh gọn, giúp giảm chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi giải quyết công việc thông qua thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc tăng cường tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và thông báo công khai địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, nghiên cứu thực hiện đồng bộ về cơ sở dữ liệu TTHC của các cơ quan hành chính trong phạm vi toàn tỉnh.
Hiện có 18/20 sở, ban, ngành; 9/9 đơn vị cấp huyện; 180/180 đơn vị cấp phường, xã ở Thái Nguyên đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Giai đoạn từ 2011 đến 10/2016, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận và giải quyết trên 3 triệu hồ sơ của các tổ chức và công dân (trung bình 624.417 hồ sơ/năm, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn là 98,8%), đem lại sự hài lòng đáng kể cho người dân.
Tỉnh Thái Nguyên còn đầu tư xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan Đảng, nhà nước để kết nối giữa các cấp, các ngành; Xây dựng hệ thống thư điện tử (mail.thainguyen.gov.vn) cho 100% cơ quan, đơn vị nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tác nghiệp, quản lý, điều hành; 97,8% máy tính đã được kết nối internet băng rộng để công khai TTHC và các hoạt động công vụ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tra cứu được thuận lợi.
Với phương châm “3 thân thiện”: Thân thiện với môi trường đầu tư, thân thiện với nhà đầu tư, thân thiện với người dân và vận dụng linh hoạt CCHC vào thực tiễn tại địa phương đã giúp Thái Nguyên tiến những bước dài trên con đường phát triển kinh tế. Công tác cải cách TTHC được quan tâm có tác dụng nâng cao năng lực cạnh tranh PCI, thu hút các nguồn đầu tư đến với địa phương. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, tỉnh Thái Nguyên đã cấp thành lập doanh nghiệp mới cho trên 400 đơn vị, vốn đăng ký kinh doanh trên 3 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trong địa bàn lên tới trên 5.200 doanh nghiệp. Tỉnh còn giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 103 dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư 71 dự án, tiếp cận, làm việc với trên 200 tổ chức, nhà đầu tư và cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 19 dự án (với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 49 triệu USD).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thái Nguyên cũng tăng mạnh, có tốc độ giải ngân rất nhanh. Ngoài Tập đoàn Samsung với Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao (tổng mức đầu tư trên 6 tỷ USD), còn có trên 80 dự án đăng ký đầu tư tại các khu công nghiệp: Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công, nâng tổng vốn đăng ký đầu tư tại địa phương lên đến 7,1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 17,5 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội vào tỉnh đạt 80 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 365 nghìn tỷ đồng và cũng là giá trị sản xuất cao nhất từ trước đến nay mà Thái Nguyên đã đạt được. Thu ngân sách đạt trên mốc 7 nghìn tỷ, vượt hơn 2 nghìn tỷ đồng so với dự kiến. Các dự án có vốn đầu tư FDI có tác động tích cực tới nền kinh tế Thái Nguyên. Nhiều dự án tạo ra năng lực sản xuất tăng cao như: Nhóm sản xuất sản phẩm điện tử, viễn thông, nhóm chế biến khoáng sản sau khai thác… Hoạt động của của các dự án FDI còn tạo hàng vạn việc làm cho lao động địa phương. (Riêng Tập đoàn Sam Sung tuyển hơn 3 vạn lao động. Công ty TNG tuyển hơn một vạn lao động từ các trường và trung tâm đào tạo nghề của tỉnh…)
Thực hiện tốt CCHC ở Thái Nguyên, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, đặc biệt là ngành thuế. Với sự quyết liệt, đi đầu trong cải cách về TTHC, ngành thuế đã tạo được hành lang chuyên nghiệp, thông thoáng, thời gian giải quyết nhanh, gọn, chính xác, minh bạch, đúng pháp luật, tạo niềm tin và sự hài lòng của người dân khi đến giao dịch. Hệ thống kê khai thuế qua mạng internet giúp doanh nghiệp giảm chi phí và phiền hà khi thực hiện các TTHC, tạo thuận lợi cho việc hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và nâng cao uy tín, hình ảnh của cơ quan thuế trong cộng đồng xã hội.
Sở Tài nguyên & Môi trường cũng là cơ quan tích cực chủ động giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường trên địa bàn. 113 công trình dự án đã được giải phóng mặt bằng (GPMB) với tổng số diện tích đất thu hồi trên 190 ha, giao đất ở tái định cư cho trên 483 trường hợp. Số tiền bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt lên tới gần 700 tỷ đồng. Các dự án quan trọng cơ bản hoàn thành GPMB theo tiến độ, có tác dụng tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành 1 trong những tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Đã có 6 khu công nghiệp trên địa bàn (Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II, Nam Phổ Yên, Quyết Thắng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập với tổng diện tích 1.420ha.
Bên cạnh những đột phá trong công tác quy hoạch, việc xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại cũng là bước đột phá quan trọng tạo điều kiện để các nhà đầu tư lớn đến với Thái Nguyên. Tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đi vào sử dụng và các tuyến đường vành đai, đường gom nối các khu công nghiệp đã góp phần kết nối mạng lưới giao thông trong khu vực, đưa Thái Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm, xứng tầm trong khu vực các tỉnh trung du – miền núi phía bắc. Chiến lược phát triển kinh tế của Thái Nguyên theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, khai thác chế biến sâu, song hành với phát triển dịch vụ giáo dục – đào tạo, du lịch sinh thái, làng nghề, du lịch tôn giáo tâm linh…
Từ tỉnh xếp hạng PCI thứ 57/63 năm 2011, Thái Nguyên đã vươn lên vị trí thứ 8/63 năm 2014 và thứ 7/63 năm 2015 (tăng 50 bậc trong 5 năm). Điều đó thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Với 10 chỉ số thành phần, Thái Nguyên đã có 6 chỉ số tăng điểm đó là: Chỉ số Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Tính năng động, Cạnh tranh bình đẳng; 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2014 là: Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và Chi phí không chính thức.
Trao đổi với ông Phạm Văn Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thái Nguyên về phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp khi trực tiếp thụ hưởng những ưu việt mà CCHC tại địa phương mang lại, ông cho biết: “Những năm gần đây, Thái Nguyên đã lấy CCHC làm bước đột phá và xây dựng bộ máy chính quyền thực sự năng động, nhất là cấp phường, xã. Các doanh nghiệp đều nhất trí, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm túc cơ chế, chính sách mới. CCHC là nền tảng quan trọng để giữ vững thứ hạng PCI của Thái Nguyên và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giảm thời gian cồng kềnh bởi các vấn đề phiền hà về thủ tục, đặc biệt là giảm nhiều hiện tượng tiêu cực. CCHC còn tạo nguồn động viên, khích lệ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp tiếp tục gánh vác sự nghiệp cao cả là cống hiến cho xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển, làm tăng ngân sách cho tỉnh, giúp an sinh và tạo việc làm cho người lao động…”
Ông Phạm Văn Quang còn chia sẻ những đề xuất của doanh nghiệp đó là: “Mong Đảng và nhà nước luôn quan tâm để CCHC được duy trì đồng bộ, bền vững và liên tục có những bước đột phá tích cực giúp tất cả doanh nghiệp, người dân đều được tiếp cận với sự ưu đãi của chính quyền. Các chính sách về nguồn vốn, thuế, môi trường đầu tư kinh doanh phải có cam kết thật rõ ràng, cụ thể và cần nhiều ưu đãi hơn để đảm bảo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Các cấp lãnh đạo không chỉ thụ động chờ nhà đầu tư đến mà còn phải năng động, sáng tạo mời nhà đầu tư về với Thái Nguyên trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, chuyên nghiệp. Lãnh đạo cần đồng hành sát cánh hơn nữa để cùng cộng đồng doanh nghiệp chèo lái con thuyền kinh tế trong cơ chế thị trường và hội nhập, vững bước tiến lên phát triển cùng đất nước và thế giới…”
Kim Phượng