Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường cho biết: Thành phố đã thiết lập hệ thống thông tin một cửa điện tử; kết nối liên thông tới cả 3 cấp chính quyền, cung cấp 1.232 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; trong đó tích hợp, cung cấp 677 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Thành phố đã ra mắt mô hình thử nghiệm trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC). Triển khai giải pháp trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) tại trung tâm dữ liệu thành phố.
Triển khai hệ thống thông tin báo cáo kết nối, liên thông với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình từ thành phố kết nối đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, cổng thông tin đất đai của thành phố đã được vận hành: tổ chức, công dân có thể truy cập trực tuyến tiếp cận các thông tin về bản đồ, thông tin thửa đất, lấy được dữ liệu theo nhu cầu…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường phát biểu. Ảnh: Kim Thành |
Năm 2021, chỉ số CCHC của thành phố đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC; chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đạt 93,38%, duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 70,61 điểm, xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Chỉ số hiệu quả và quản trị công cấp tỉnh (PAPI) đạt 44 điểm, xếp nhóm điểm cao nhất cả nước. Đặc biệt, những kết quả bứt phá, nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian gần đây của thành phố đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương; được các tỉnh, thành phố, người dân trong cả nước đánh giá cao; được nhân dân, doanh nghiệp thành phố đồng tình, ủng hộ.
Năm 2021 và 9 tháng 2022, thành phố tiếp tục được Chính phủ đánh giá là điểm sáng kinh tế - xã hội của cả nước với những kết quả toàn diện mang tính đột phá. Các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ; kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ; các vấn đề nông nghiệp nông thôn an sinh xã hội được cải thiện.
Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung CCHC, trong đó tập trung cao thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo các cục, vụ thuộc thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đều đánh giá cao công tác thực hiện CCHC của thành phố trong thời gian qua.
Công tác CCHC của thành phố đã được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố tới lãnh đạo các địa phương đơn vị mà đặc biệt là sự quyết tâm quyết liệt của Đảng bộ thành phố luôn coi CCHC là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong sự phát triển kinh tế, xã hội thành phố.
Trong năm 2021 - 2022, thành phố Hải Phòng đã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành các cấp, các ngành thực hiện CCHC gắn với “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Để công tác CCHC thực chất, thành phố rất coi trọng công tác kiểm tra CCHC, hướng về cơ sở, coi đây là nền móng chắc chắn cho công tác CCHC của thành phố.
Thành phố đã xây dựng bộ chỉ số CCHC cấp xã giúp đánh giá đồng bộ các xã, phường, thị trấn trong toàn thành phố theo một khung tiêu chí thống nhất.
Thành phố đã phân cấp tạo sự chủ động, sáng tạo trong giải quyết công việc, giảm thời gian hội họp, xin ý kiến cấp trên, hạn chế cơ chế xin - cho; góp phần khai thác, sử dụng tốt các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quang cảnh buổi kiểm tra. Ảnh: Kim Thành |
Kết luận, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bẩy đồng tình quan điểm với đoàn kiểm tra về thành phố Hải Phòng đã thực hiện tốt công tác CCHC đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua.
Trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng nhiều, biên chế ngày càng giảm, việc xây dựng chính quyền số là yêu cầu tất yếu, Hải Phòng xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá, trọng tâm, tác động trực tiếp để xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và cải thiện nhanh chóng môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp gia tăng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền.
Hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan Nhà nước từ thành phố tới cấp xã. 90% văn bản được gửi trên môi trường mạng (trừ các văn bản mật). 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp hộp thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị thành phố trong việc thực hiện CCHC phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện tốt công tác CCHC theo đúng chủ trương của Ban Chỉ đạo Chính phủ, thành phố cần tăng cường phân cấp, ủy quyền cho đơn vị, địa phương trên nhiều lĩnh vực quan trọng như: đất đai, quy hoạch, đầu tư, ngân sách nhà nước.
Những nội dung đoàn kiểm tra đề nghị đưa vào trong báo cáo thanh phố bổ sung rồi hoàn thiện gửi đoàn, làm cơ sở báo cáo Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ.
Theo Báo Thanh Tra