The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải cách thể chế hành chính hiện nay

Quản lý nền hành chính cần phải thực hiện ba lĩnh vực: phải có thể chế hành chính đáp ứng được các yêu cầu quản lý xã hội; phải có bộ máy hành chính tổ chức và hoạt động hiệu quả; phải có đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp tận tâm phục vụ nhân dân. Trong những năm qua, ba lĩnh vực này đã được cải cách nhưng chưa đồng bộ. Tôi xin góp ý kiến về cải cách thể chế hành chính.

Luật sư Võ Thành Vị, Đoàn Luật sư TPHCM

Thể chế hành chính không thể đứng yên mà phải được cải cách một cách biện chứng với các điều kiện kinh tế - xã hội, vốn vận động và phát triển không ngừng.

Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nước ta còn thiếu không ít luật và chậm có các văn bản dưới luật quy định chi tiết việc thi hành các luật. Các văn bản dưới luật chưa quy định chi tiết thì luật chưa đi vào cuộc sống. Giữa pháp luật và pháp chế còn có một khoảng cách. Pháp luật quy định “khả năng” của công dân, tổ chức khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì có quyền áp dụng pháp luật. Quy định pháp luật phải trở thành chế độ pháp chế, thể hiện thông qua các hoạt động của các cơ quan nhà nước mới hình thành phương thức quản lý nhà nước.

Việc một văn bản quy phạm pháp luật bị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đan xen với nhiều văn bản khác, với nhiều ngành luật khác nhau đã làm cho việc áp dụng khó khăn, phức tạp. Muốn thực hiện một thủ tục hành chính phải tra cứu nhiều văn bản mới tìm ra được cách giải quyết đúng pháp luật. Công dân bình thường không thể thực hiện được việc mà mình có nhu cầu.

Để việc thực hiện pháp luật được thông suốt, cần phải tiến hành biên tập các nghị định sửa đổi, bổ sung hợp nhất thành một nghị định hợp nhất. Khi biên tập lại, kết hợp rà soát bãi bỏ những quy định không còn phù hợp và bổ sung điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh thành một nghị định hợp nhất thay thế các nghị định được ban hành trong cùng một phạm vi điều chỉnh. Các vụ việc trước nghị định hợp nhất này được giải quyết theo quy định của các văn bản pháp luật tại thời điểm phát sinh sự kiện pháp lý.

Các thông tư, thông tư liên ngành của các bộ cũng cần được biên tập lại để hướng dẫn thi hành các nghị định đã được hợp nhất nêu trên.

Khi áp dụng pháp luật, Nhà nước và công dân chủ yếu nghiên cứu ba văn bản pháp luật: luật, nghị định, thông tư đã được hợp nhất.

Để các quy định của các thông tư phù hợp với các điều kiện cụ thể của các địa phương, trước khi ban hành, các bộ phải phối hợp và thống nhất với các địa phương quy định chi tiết các điều kiện cụ thể và thủ tục hành chính thi hành để pháp luật đi vào đời sống xã hội theo từng vùng: đô thị, nông thôn, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa... (áp dụng phương thức như khi Chính phủ tăng lương tối thiểu - theo từng vùng). Cần áp dụng chế độ phân cấp quản lý đối với các đô thị, để các nơi này có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý phù hợp với các điều kiện đặc thù của địa phương.

Ví dụ, UBND TPHCM nên xem xét thực hiện biên tập hợp nhất các quyết định của UBND thành phố theo từng lĩnh vực quản lý, như đất đai, nhà ở, xây dựng, đầu tư, kinh doanh thương mại, thuế vụ... Trong quá trình biên tập, kết hợp rà soát bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Cải cách này để cho các quy định của pháp luật được thông suốt và các thủ tục hành chính được công khai, dễ thi hành.

TheSaigontimes