The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được nhiều bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, công tác cải cách TTHC vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều bước đột phá trong cải cách TTHC

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện liên thông các sở, ngành có liên quan trong lĩnh vực cấp phép đầu tư. Cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu chỉ cần nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa liên thông thuộc Trung tâm hành chính công của thành phố. Sau ba ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép kinh doanh. Đây là bước cải cách TTHC mạnh mẽ, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước. Trao đổi ý kiến với chúng tôi sau khi nhận được giấy phép đầu tư, ông Da-ni-en Mo-ren-lo, quốc tịch Hà Lan, vui vẻ cho biết, ông chọn Việt Nam để đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn không chỉ vì Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, khí hậu mà sự thông thoáng trong việc thực hiện các TTHC là sức hút rất lớn đối với những người nước ngoài như ông đến Việt Nam kinh doanh. Ông cho biết, trước đó, ông đã nhận được thị thực nhập cảnh sau một tuần làm thủ tục.

Tại Hải Phòng, nhiều tháng nay, trụ sở của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng trở thành nơi làm việc của tổ liên ngành gồm: hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm định chất lượng hàng hóa, cơ quan thuế... Việc làm thủ tục nhập khẩu được thực hiện ngay khi tàu cập cảng với sự tham gia của tất cả các ngành liên quan. Nếu như trước đây, doanh nghiệp phải cầm hồ sơ "chạy" đến từng cơ quan chức năng để làm thủ tục với thời gian từ một đến hai tuần, thì hiện nay, với việc triển khai tổ liên ngành tại cảng, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại tổ liên ngành và sau ba ngày, hàng hóa có thể thông quan. Việc rút ngắn thời gian thông quan không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí lưu kho bãi mà còn chấm dứt tình trạng chi phí qua "khâu trung gian" trong thực hiện TTHC. Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, tổ liên ngành sẽ được triển khai tại bảy tỉnh, thành phố có cửa khẩu quốc tế lớn trên cả nước. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nếu giảm được một ngày làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành về xuất nhập khẩu, mỗi năm Việt Nam tiết kiệm được một tỷ USD.

Những cải cách trong giải quyết TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hai năm triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thứ hạng năng lực cạnh tranh năm 2015 của Việt Nam tăng ba bậc, từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 90. Trong đó, một số chỉ số được cải thiện rõ rệt, như khởi sự doanh nghiệp tăng bảy bậc, tiếp cận điện năng tăng 22 bậc, tiếp cận tín dụng tăng tám bậc, bảo hiểm xã hội tăng bốn bậc. Cùng với đó, thời gian nộp thuế năm 2015 giảm 40 giờ và chỉ số nộp thuế được cải thiện bốn bậc.

Cần cải cách toàn diện

Mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng trên thực tế, công tác cải cách TTHC vẫn còn nhiều hạn chế, khiến năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thấp. Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 114 ngày xuống còn 77 ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thời gian cấp phép xây dựng năm 2015 là 166 ngày, tăng hơn 52 ngày so với năm 2014. Qua khảo sát tại một số địa phương cho thấy, thời gian cấp phép xây dựng kéo dài một phần do các văn bản của Nhà nước. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Văn Dũng, trước đây việc cấp phép xây dựng tại TP Hội An được thực hiện trong 45 ngày, sau đó giảm xuống còn 21 ngày. Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng, việc thủ tục cấp phép xây dựng mất ba tháng vì phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, một số văn bản vừa ban hành, như Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18-6-2015 về Quản lý dự án đầu tư xây dựng chưa theo tinh thần cải cách của Nghị quyết 19, do đó làm tăng thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và gây khó khăn cho cơ quan cấp phép.

Đối với TTHC trong lĩnh vực thuế, hiện còn nhiều vướng mắc do chính sách thuế thay đổi liên tục, gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, khiến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tính thuế sai do lỗi phần mềm hệ thống vẫn xảy ra ở nhiều nơi, khiến doanh nghiệp e ngại. Tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, với những ưu đãi đặc biệt về thuế cũng như các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp phép đầu tư, đến nay khu kinh tế mở đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, với 107 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký 54 tỷ USD. Tuy nhiên, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đã nảy sinh nhiều vướng mắc trong khâu cấp phép, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp trong Khu kinh tế. Theo Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai Lê Văn Thương, trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, mọi thủ tục cấp phép đầu tư, trong đó có việc tính giá thuê đất được thực hiện trong một tuần. Tuy nhiên, với quy định mới, đối với dự án có vốn đầu tư dưới 20 tỷ đồng, cơ quan thuế của tỉnh sẽ thực hiện việc tính thuế, đối với dự án hơn 20 tỷ đồng phải thành lập hội đồng thẩm định giá, gồm các sở, ngành của tỉnh. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thực hiện thủ tục đầu tư. Theo quy định, sau năm ngày nhận hồ sơ, Ban Quản lý khu kinh tế phải cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp, nhưng việc thẩm định giá thuê đất phụ thuộc vào các sở, ngành, cho nên nhiều dự án kéo dài hơn sáu tháng chưa được cấp phép. Đây cũng là vướng mắc của nhiều địa phương trong việc thẩm định giá thuê đất.

Đối với việc đăng ký và nộp thuế điện tử, theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện có tới hơn 90% số doanh nghiệp thực hiện đăng ký và kê khai thuế qua mạng điện tử, nhưng trên thực tế, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua khảo sát tại tỉnh Quảng Nam, cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong tỉnh đều không "mặn mà" với việc đăng ký, kê khai thuế qua mạng, trong đó có Tập đoàn ô-tô Chu Lai - Trường Hải, đơn vị có số thuế phải nộp mỗi năm lên tới gần 2.800 tỷ đồng, chiếm 77% số nộp ngân sách khối doanh nghiệp ngoài nhà nước của tỉnh. Giải thích về điều này, đại diện tập đoàn này cho biết, việc nộp thuế qua mạng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là việc tính sai thuế vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Hiện, đơn vị vẫn đang nghiên cứu những lợi ích mà việc đăng ký, kê khai thuế mang lại cho doanh nghiệp.

Trong phiên họp bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ tổ chức mới đây, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành, giảm đối tượng quản lý chuyên ngành, đồng thời kiên quyết cắt giảm những TTHC không cần thiết. Cùng với đó, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, giảm bớt khâu trung gian, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công qua mạng điện tử, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cùng với các giải pháp nêu trên, cần nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, trong đó trọng tâm là công tác cải cách tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, lấy hiệu quả làm việc làm thước đo năng lực của cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức phải đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp và lấy lợi ích của xã hội, của quốc gia làm mục tiêu công tác. Có như vậy, công tác cải cách TTHC mới thật sự đạt hiệu quả cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chín bộ, ngành liên quan nhằm thực hiện giảm thời gian giám định hàng hóa, thông quan xuất nhập khẩu, đồng thời đổi mới phương thức hoạt động từ tiền kiểm sang hậu kiểm".

ĐINH TIẾN DŨNG Bộ trưởng Tài chính

"Cùng với thu thuế, cơ quan thuế cần thực hiện tốt việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, nhằm bảo đảm đầy đủ quyền lợi của doanh nghiệp, cũng như có chế tài xử lý các đơn vị chậm hoàn thuế".

VŨ TIẾN LỘC Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

"Cần đẩy mạnh cải cách TTHC trên tất cả các lĩnh vực, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hạn chế việc thay đổi chính sách ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh".

LÊ SƠN NAM Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Á Đông

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN THÁI

Theo Báo Nhân dân