Cài cắm lợi ích nhóm vào giấy phép con
“Cứ 10 điều kiện kinh doanh được cắt giảm thì lại có bảy điều kiện kinh doanh khác tăng thêm” - luật sư Trương Thanh Đức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định phải loại bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), giấy phép con bất hợp lý đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Thế nhưng hiện nay vẫn còn trên 5.700 giấy phép ông, giấy phép con, giấy phép cháu… hành DN.
Thậm chí nhiều ĐKKD được bãi bỏ trước đây lại quay trở lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì sao vậy?
Biến thị trường thành sân chơi của “ông lớn”
Nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây qua rà soát 14 ngành nghề trong các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải và khoa học công nghệ với 402 ĐKKD cho thấy có một số đặc điểm nổi bật.
Đó là nhiều ĐKKD có tính chất áp đặt quy mô DN. Ví dụ đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe nếu trụ sở đặt tại các TP trực thuộc trung ương; thương nhân xuất nhập khẩu khí hóa lỏng phải có tổng dung tích bồn chứa tối thiểu 3.000 m3; thương nhân bán buôn rượu phải có số vốn tối thiểu 300 triệu đồng… Điều này là không cần thiết.
Thứ hai, ĐKKD có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của người kinh doanh. Điển hình là quy định phương án kinh doanh của các DN vận tải bằng ô tô phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba là ĐKKD có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Chẳng hạn yêu cầu về chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô. Yêu cầu này không cần thiết bởi thị trường có rất nhiều phân khúc và khách hàng sẽ lựa chọn chất lượng phù hợp.
“Thực tế đã chứng minh những điều kiện trên đã giết chết nhiều DN nhỏ và vừa. Biến thị trường thành sân chơi của một số DN có tiềm lực như thị trường xuất khẩu gạo hay phân phối khí, làm thị trường méo mó. Từ đó người tiêu dùng yếu thế là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên” - bà Phạm Thị Hồng, Ban Pháp chế VCCI, nhận định.
Hiện nay một miếng thịt vẫn do nhiều cơ quan cùng quản lý. Trong ảnh: Đoàn liên ngành kiểm tra thực tế vệ sinh an toàn thực phẩm tại một chợ. Ảnh minh họa: Tiến Dũng
Lợi ích nhóm, sợ trách nhiệm
Bổ sung thêm về vấn đề nhiều bộ, ngành không muốn bỏ hoặc sửa đổi các ĐKKD, ông Lê Xuân Hiền, thành viên tổ công tác thi hành Luật Đầu tư, Luật DN, cho rằng những cơ quan, cá nhân ban hành ĐKKD chắc chắn có lợi ích từ việc này mà chúng ta hay gọi là “lợi ích nhóm”. Mỗi khi một tờ giấy phép được cấp thì chắc chắn ở sau đó là một vấn đề khác mà người ta gọi là “tham nhũng vặt”.
“Dân gian truyền tụng câu chuyện sở dĩ tồn tại giấy đỏ, giấy hồng là bởi vì có hai nhà máy in, mỗi nhà máy in một loại giấy. Có nghĩa là lợi ích nhóm của từng bộ, ngành, địa phương… được cài cắm khắp nơi đến nỗi không thể có một người nào đủ thông minh để phát hiện ra hết. Trong khi đó các DN thì phản ứng yếu ớt vì sợ bị để ý, bị hành” - ông Lê Xuân Hiền phân tích.
Tóc bạc mà “cuộc chiến” chưa kết thúc Cuộc chiến với ĐKKD là cuộc chiến kéo dài. Vì sao nó cứ là cuộc chiến dai dẳng, trường kỳ như vậy? Vì sao nó khó khăn, dai dẳng và không có hồi kết? Tôi xông vào cuộc chiến này từ khi tóc còn xanh và đến khi tóc bạc, phải nhuộm lại mà cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Luật sư TRẦN HỮU HUỲNH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) |
Tuy vậy, ông Hiền cũng cho rằng các cơ quan phải lo trách nhiệm của chính mình bởi nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra đối với người dân, xã hội thì các bộ, ngành sẽ bị truy hỏi trách nhiệm. Chẳng hạn khi có chỉ thị rằng phải mở cửa để tự do buôn bán nông sản nhưng nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt thì vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, giám sát chất lượng lại được đặt ra.
“Hơn nữa pháp luật không thống nhất, tiền hậu bất nhất khiến các cơ quan phải tự bảo vệ mình trước bằng các ĐKKD. Chúng ta phê bình các cơ quan nhà nước trong việc ban hành ĐKKD nhưng khi họ bị kiểm điểm trách nhiệm thì ai chịu thay họ? Chúng ta phải sòng phẳng trong vấn đề này” - ông Hiền đặt vấn đề.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu thì nhận định khi đưa ra một ĐKKD, các bộ, ngành có thể có lợi ích ở đó. Tuy nhiên, nguyên nhân còn nằm ở chính năng lực của các cán bộ xây dựng chính sách khi họ cũng không cập nhật được kiến thức, xu hướng mới, đưa ra những chính sách không phù hợp với thực tiễn.
Một nguyên nhân nữa là do cán bộ, công chức đã quen với những ĐKKD cũ, tạo thành một thói quen quản lý bằng mọi giá, trên cơ sở đó thiết kế ra những ĐKKD nhưng không tính đến những tác động cho xã hội.
Quản lý quá mức cần thiết
TS Đặng Quang Vinh, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét rằng vì những ĐKKD nên DN đăng ký thành lập nhiều và khai tử cũng nhiều. Bởi những ĐKKD làm chi phí tăng lên, môi trường kinh doanh không thuận lợi, cộng thêm sự nhũng nhiễu làm người kinh doanh không thể tuân thủ. Tất cả là do việc quản lý đã vượt quá mức cần thiết.
TS Vinh đưa ra ví dụ về chai nước mắm và cho rằng: “Một số ngành nghề khác có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì ĐKKD như quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm đầu ra... Ví dụ người tiêu dùng chỉ cần biết rằng chai nước mắm này bảo đảm chất lượng, họ không cần biết chai nước mắm đó được sản xuất thế nào. Sản phẩm tốt thì đương nhiên quy trình sản xuất phải tốt”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thì cho rằng ĐKKD bị bóp méo và hạn chế nhiều do quan điểm của quản lý nhà nước. Cứ 10 ĐKKD được cắt giảm thì lại có bảy ĐKKD khác tăng thêm. Do vậy, cần phải dẹp 1/3 số ĐKKD này đi chứ nếu không thì vẫn là cải cách nửa mùa, cải cách thiếu đồng bộ, giảm một ít thì tăng một ít, thậm chí có cái còn đẻ ra nhiều thứ phức tạp hơn cả ĐKKD.
Luật sư Đức cũng không quên đưa ra ví dụ: “Ngành công thương muốn giữ quy định về kinh doanh ô tô để loại bỏ được đối thủ nhỏ cho các DN lớn và tiến tới độc quyền. Mới đây nhất, yêu cầu của Bộ GTVT hạn chế đi xe chung. Hạn chế này là trái luật bởi đây là mô hình kinh doanh khác, anh chưa quản được nên cấm. Cấm như vậy là vô căn cứ. Thậm chí một loạt yêu cầu giống ĐKKD ra đời phát tác oanh tạc làm hại môi trường kinh doanh. Cá nhân tôi là luật sư tôi còn không nắm rõ các ĐKKD”.
Thi người đẹp cũng phải có giấy phép Trong cuộc làm việc ngày 29-7 vừa qua, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã trình bày với Thủ tướng về thực trạng các ĐKKD hiện nay. Theo ông Ngoạn, các ĐKKD hay còn gọi là các giấy phép kinh doanh đang làm cho môi trường đầu tư còn nhiều rào cản, chất lượng thể chế còn nhiều hạn chế. Trong danh mục các bộ có nhiều ĐKKD mà ông Ngoạn đưa ra, đứng đầu là Bộ Công Thương với 1.220 giấy phép kinh doanh, ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có tới 106 giấy phép. Trong khi đó ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nói ĐKKD làm tăng chi phí tuân thủ cho DN, tạo ra độc quyền, tước mất cơ hội kinh doanh của nhiều người. “Xuất khẩu gạo lẽ ra không cần ĐKKD và hoàn toàn có thể quản lý bằng cách thức khác. Nhưng với những điều kiện hiện nay thì DN rất khó gia nhập thị trường. Hiện tại một số cuộc thi người đẹp, người mẫu vẫn phải có giấy phép cho từng cuộc thi. Điều này là không phù hợp” - ông Đậu Anh Tuấn ví dụ. |