The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

“Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là yếu tố thiết yếu để thu hút đầu tư mà còn là nền tảng xây dựng, phát triển kinh tế bền vững, thịnh vượng…” Chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (

“Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là yếu tố thiết yếu để thu hút đầu tư mà còn là nền tảng xây dựng, phát triển kinh tế bền vững, thịnh vượng…”

Chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo khu vực Đồng bằng sông Hồng về Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 1/11 tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, Đồng bằng sông Hồng là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên không bền vững đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống của người dân. Vì vậy, thực hành tốt trong quản trị môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và với các khu vực khác trên toàn quốc là việc rất cần thiết.
vcci-anh-1.pngToàn cảnh buổi Hội thảo khu vực Đồng bằng sông Hồng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững
Thời gian qua, để đối phó với những thách thức về môi trường và khí hậu, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách và chiến lược quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh việc “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 nhằm tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và chính quyền địa phương trong quản lý môi trường, chuyển đổi sang mô hình kinh tế các-bon thấp và thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với nhiều nghị quyết và kế hoạch phát triển bền vững khác. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024, phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng bằng sông Hồng cần tận dụng những cơ hội này để phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.
vcci-anh-2.pngÔng Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Nguyễn Quang Vinh thông tin, từ nhiều năm qua, VCCI đã bền bỉ triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường tại Việt Nam.
Gần đây nhất, VCCI đã công bố Báo cáo Chỉ số PCI và PGI năm 2023 ghi dấu hành trình 19 năm VCCI xây dựng và công bố Chỉ số PCI và năm thứ 2 công bố Chỉ số PGI. Đây là kết quả cụ thể và thiết thực của VCCI trong việc thực hiện các chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng và gần đầy là cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững, công bằng xã hội và phát triển nền kinh tế xanh và trung hòa cac-bon.
Đặc biệt, đây chính là một hoạt động quan trọng của VCCI để triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, mà trực tiếp nhất là nhiệm vụ: “tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến"
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố thiết yếu để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Một môi trường đầu tư thuận lợi tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển cộng đồng.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc cải thiện môi trường đầu tư còn giúp các tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Hồng tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Đây là yếu tố quan trọng khi chúng ta hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
vcci-anh-5.pngÔng Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, ngày nay, môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà yếu tố thân thiện với môi trường, phát triển bền vững đang trở thành yếu tố được các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, tỉnh Quảng Ninh luôn tìm tòi và đột phá, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng trọng tâm vào chất lượng phát triển, chất lượng sống của người dân, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển hài hòa giữa các vùng lãnh thổ gắn với xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy đô thị hóa, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, văn minh.
Ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cho biết một trong những nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư của Hưng Yên thời gian qua là “Chuyển trọng tâm thu hút đầu tư từ số lượng sang chất lượng, thân thiện môi trường và hiệu quả sử dụng đất đai. Ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, giá trị tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu”.
vcci-anh-3.pngÔng Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Ban Pháp chế, VCCI
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững tổ hợp DEEP C cho biết, DEEP C đã thực hiện chuyển dịch thay thế năng lượng truyền thống bằng năng lượng tái tạo. Trong quản lý chất thải, DEEPC tập trung vào tái chế và tái sử dụng chất thải, kết nối các nhà đầu tư trong khu công nghiệp để cộng sinh khu công nghiệp và phát triển kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp này đã thay thế vật liệu truyền thống (tài nguyên thiên nhiên) bằng vật liệu tái sử dụng, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp dựa theo tự nhiên, biến phần diện tích đất cây xanh trong khu công nghiệp thành khu vực bảo tồn trữ nước khi có lũ lụt triều cường xảy ra, vì vậy mà DEEPC vẫn an toàn trong đợt mưa bão lịch sử vừa qua.
Nhiều tham luận có giá trị về các thực hành tốt trong quản trị môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và với các khu vực khác trên toàn quốc.
vcci-anh-4.pngÔng Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Việt Nam chưa đồng bộ về phát triển kinh tế xanh nên VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp cần phải tiên phong trong công tác này. Hội thảo khu vực Đồng bằng sông Hồng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc cải thiện môi trường đầu tư còn giúp các tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Hồng tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Đây là yếu tố quan trọng khi chúng ta hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.