The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải thiện môi trường kinh doanh: Đằng sau những bức thư không tên người gửi (kỳ 1)

Cam kết “gỡ đinh dưới tấm thảm thu hút đầu tư” để doanh nghiệp an tâm làm ăn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi nhậm chức đã trở thành thước đo mới với môi trường kinh doanh Việt Nam. Giới kinh doanh vẫn ngóng cơ hội được đặt chân trên những tấm thảm sạch, để thực sự trở thành những doanh nghiệp liêm chính, sẵn sàng ký tên trong những bức thư kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước. Biết rằng mọi sự thay đổi, cải cách đều cần có thời gian, nhưng không thể là vô hạn định.

Bài 1: Thủ tướng sốt ruột với giấy phép con

Sau ngày 30/5, bộ, ngành nào không trình dự thảo nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh, thì bộ trưởng sẽ phải giải trình trước công luận. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết vậy.

Vòng nước rút của bộ trưởng

Một tuần trước hạn chót (ngày 23/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chuẩn y văn bản thúc bộ trưởng, thủ trưởng các ngành được giao soạn thảo các quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, trong đó có các văn bản liên quan đến điều kiện kinh doanh (ĐKKD).

Đây là lần thứ ba trong khoảng 1 tháng, tính từ cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/4/2016, Thủ tướng trực tiếp nhắc nhở các thành viên Chính phủ về tiến độ công việc. Trước đó, hai văn bản nhắc tiến độ là Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 27/4 và Công văn số 789/TTg-PL ngày 14/5. Yêu cầu các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp và đến cùng tiếp tục được nhấn mạnh.

Sự chậm trễ hay không thực hiện đúng của các bộ, ngành về điều kiện kinh doanh sẽ cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh
Sự chậm trễ hay không thực hiện đúng của các bộ, ngành về điều kiện kinh doanh sẽ cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Tuy nhiên, lần này, Công văn 867/TTg-PL có khác, ghi chi tiết hơn: “Sau thời hạn này, bộ trưởng nào chưa ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản đã được phân công sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phải giải trình trước công luận”.

Sự sốt ruột, nhưng kiên quyết của người đứng đầu Chính phủ bộc lộ rõ. Trong thời gian này, Thủ tướng đã bác hàng loạt đề nghị xin lùi tiến độ của một số bộ, ngành, theo đúng tinh thần thông điệp “không du di” đã được nêu rõ trong cuộc họp Thường trực Chính phủ đầu tiên của ông.

Nghĩa là, các bộ trưởng không còn đường lùi, buộc phải vào vòng đua nước rút. “Tốc độ chạy đang rất nhanh. Các dự thảo được gửi tới tấp đi lấy ý kiến”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người được giao rà soát ĐKKD với các bộ, ngành bày tỏ sự hồ hởi.

Dường như ông Hiếu và các thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư bất ngờ với không khí này. Hơn 1 tháng trước, chính họ vì quá lo các bộ chậm trễ nên buộc phải đề xuất kéo dài thời gian ban hành các văn bản thay thế, tránh khoảng trống pháp lý sau ngày 1/7/2016. Thậm chí, khi Thủ tướng nói không, lo ngại không kịp hoàn thành vẫn còn nguyên.

Vòng chạy nước rút đã cho kết quả tích cực. Khoảng 158 thông tư, quyết định đã được rà soát. Số nghị định có thể phải ban hành đang được xác định lên tới khoảng bốn chục. Tính đến cuộc họp ngày 26/5, thông tin được đưa ra là việc xây dựng dự thảo nghị định về ĐKKD cơ bản đáp ứng tiến độ.

Chắc chắn, không bộ trưởng nào muốn giải trình trước Thủ tướng, Chính phủ và đặc biệt là công luận về sự chậm trễ.

Nỗi lo ở lại

Có điều lạ, khối lượng công việc nêu trên phần lớn được thực hiện trong vòng 1 tháng qua. Có nghĩa là, hơn một năm trước, phần việc này bị bỏ lơ.

Có thể nói vậy vì theo đúng nguyên tắc, việc rà soát, xem xét bãi bỏ, sửa đổi, nâng cấp các quy định về ĐKKD quy định tại các thông tư, quyết định của các bộ, ngành cũng như việc hoàn tất các ĐKKD của 16/267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải rậm rịch ngay sau ngày Luật Đầu tư được thông qua (ngày 26/11/2014). Một cách chính thống hơn, công việc này đã phải bắt đầu khi Luật Đầu tư có hiệu lực (ngày 1/7/2015).

“Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trái với quy định tại khoản 3, Điều 7 của Luật này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016”, Luật Đầu tư ghi rõ.

Chắc chắn, các bộ, ngành biết rõ nhiệm vụ này, vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trực tiếp là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lúc bấy giờ - người chỉ đạo xây dựng nội dung Luật Đầu tư, không bỏ lỡ cơ hội nào để nhấn mạnh tính cách mạng này của Luật, mà ông gọi là “cách chọn khó” cho cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp (DN).

Lúc đó, cho dù Tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư chưa được “danh chính”, thì việc rà soát và công bố danh mục ĐKKD sẽ hết hiệu lực sau 1 năm cũng được Bộ trưởng Vinh giao CIEM thực hiện. Thậm chí, CIEM còn bị “mang tiếng” khi tư vấn DN tự động thực hiện theo Luật, nghĩa là không tuân thủ các thông tư quy định ĐKKD được ban hành sau ngày 1/7/2015, cũng như sẽ không tuân thủ ĐKKD không đúng thẩm quyền sau ngày 1/7/2016.

“Chúng tôi muốn gây sức ép lên các bộ, ngành để những nỗ lực cải cách về ĐKKD của Luật Đầu tư được tuân thủ”, ông Hiếu lý giải.

Song, các kịch bản tối ưu đã không xảy ra. Đến tận phiên họp thường trực đầu tiên của Chính phủ dưới dự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, số bộ, ngành có báo cáo kết quả rà soát ĐKKD cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo yêu cầu của Luật Đầu tư mới lác đác vài cái tên như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp... Chưa kể hàng loạt bộ như Tài chính, Y tế, Xây dựng… còn ban hành ĐKKD tại thông tư sau ngày 1/7/2015, trái với Luật Đầu tư…

Bởi vậy, không khó hiểu khi CIEM và cả ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay nhận được lời trách móc từ các bộ, ngành rằng, 1 tháng để làm các công việc này là quá ngắn. Đến mức, trong cuộc họp rà soát giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành vào giữa tháng 5/2016, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư, Luật DN, phải gay gắt đề nghị các bộ thôi vin vào lý do gấp gáp để lần chần.

“Luật đã có hiệu lực gần một năm rồi, ghi rõ chúng ta không chỉ phải tuân thủ tiến độ, mà phải xem xét có cần quản lý bằng ĐKKD không, có cách nào khác không… để cho DN đỡ khổ”, ông Đông thẳng thắn.

Mối lo trước đó của nhiều chuyên gia về khả năng “nâng cấp cơ học” các thông tư để thỏa mãn yêu cầu về thời gian và tính pháp lý của các ĐKKD hiển hiện. Nếu đối chiếu một số dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến với các thông tư tương ứng, tình trạng thay áo mới khá rõ. Những dạng ĐKKD khó lý giải lý do tồn tại, kiểu như phải có 1 tỷ đồng để làm phim hay diện tích phòng đào tạo nghề môi giới bất động sản rộng 50 m2… còn đầy rẫy.

Lý do tồn tại của ĐKKD cũng là câu hỏi mà Tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư luôn đặt ra khi làm việc với các bộ, ngành Đáng tiếc là câu trả lời đa phần là... cười trừ. Một số nói vì gấp nên chạy để kịp thời gian trước.

DN không thể mãi đợi chờ

Với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, người đứng sau các phiên bản Luật DN, hiện trạng trên lại không có gì mới. Cách đây 16 năm, vào năm 2000, ông là người bị cho là “đối đầu” với các bộ, ngành, khi được giao trực tiếp rà soát và đề nghị bãi bỏ giấy phép con. Nhưng nỗ lực này của Tổ công tác thi hành Luật DN khi đó chỉ kéo được 2 năm, với kết quả khiêm tốn là 115 giấy phép con bị bãi bỏ. Sau đó, nhiệm vụ rà soát được giao lại các bộ, ngành. Năm 2006, VCCI muốn xới lại vấn đề với Nghiên cứu thử nghiệm rà soát chẩn đoán 37 giấy phép kinh doanh, nhưng không thành công… Thậm chí, nhiều trong số giấy phép con bị bãi bỏ đợt đó đã tái sinh…

“Chúng tôi đã làm hết sức, nhưng còn những rào cản không thể vượt qua, những lớp trần không thể đục thủng. Đó là điều đáng tiếc. Nhưng nhờ đó để thấy, nếu không thay đổi tư duy về quyền kinh doanh của DN, thì việc rà soát này, dù trong 1 tháng hay cả năm, cũng không khác gì nhau”, ông Cung không e dè nhận định.

Phải thẳng thắn, đây chính là nguyên cớ lớn nhất của “rừng giấp phép con” mà DN đang phải gánh. Đi kèm với đó đương nhiên là chi phí tuân thủ cao và những rủi ro khó định. Sẽ không có cửa nào cho những sáng tạo khởi nghiệp hay quyết định lớn lên của DN trong bối cảnh mà Thủ tướng đã thẳng thắn đề cập với các thành viên Chính phủ, đó là “tư duy quyền anh, quyền tôi”…

Nhưng nếu lo ngại “không có gì khác nhau” của ông Cung xảy ra, thì DN sẽ rất thất vọng, vì họ đang hướng tới một tấm sa bàn với chỉ dẫn rõ ràng, minh bạch về ĐKKD sau khi 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được công bố. Họ cũng đang chờ kết quả thực khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhắc tới cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, không để có thêm các giấy phép con...

Bốn ngày trước, ngày 26/5, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, khi chủ trì cuộc họp rà soát tình hình triển khai xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến ĐKKD, đã nhắc lại mong muốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là “giải phóng những can thiệp không cần thiết của cơ quan nhà nước dẫn đến sự tiếp cận nguồn lực của DN và người dân trở nên khó khăn hơn”.

Điều đó cũng có nghĩa, sự chậm trễ hay không thực hiện đúng của các bộ, ngành về ĐKKD sẽ cản trở quyền tự do kinh doanh của DN, của người dân, cũng có nghĩa là cản trở sự phát triển của đất nước. Không ai, kể cả Thủ tướng Chính phủ và từng người dân, DN muốn nhìn thấy điều này.

Kỳ sau: Tiếng thở dài trong những bức thư không tên người gửi.

Khánh An