The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Theo đó, tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới) và năng lực cạnh tranh quốc gia (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới).

Cụ thể, trong năm 2015 - 2016 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6. Trong đó, rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định; thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày; thời gian thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng hiện nay còn tối đa 30 tháng.

Năm 2016, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế

Nghị quyết nêu rõ, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phát triển mạnh các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị quốc gia, giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tập trung phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, logistics, các ngành khai thác, chế biến dầu khí, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển đảo... gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường. Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên. Thúc đẩy xã hội hoá sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển các hình thức doanh nghiệp cổ phần. Phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh.

Tiếp tục giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính

Nghị quyết cũng đề ra giải pháp khác là đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công. Cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ và bảo đảm hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định, Thông tư hướng dẫn) quy định cơ chế tự chủ đầy đủ cả về tài chính, chuyên môn, nhân sự và bộ máy cho các đơn vị sự nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh hoạt động đầu tư mạo hiểm, thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công; thực hiện mô hình đơn vị sự nghiệp công do cộng đồng quản lý; đơn vị sự nghiệp công hoạt động như doanh nghiệp công ích; cho thuê cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước để kinh doanh dịch vụ công.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân, nhất là thủ tục hành chính có liên quan đến các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Tiếp tục giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định về thời gian và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong quản lý điều hành...

Quy hoạch hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu chung nhằm phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài cùng với các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng đã xác định (hai hành lang, một vành đai Bắc Bộ và hành lang Đông - Tây, các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm) tạo thành khung cơ bản trong tổ chức lãnh thổ quốc gia, trong đó đặc biệt quan trọng là hình thành khung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cả nước.

Đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên toàn tuyến hành lang, đặc biệt là các đô thị lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương khác trong cả nước.

Kinh tế toàn tuyến chiếm tới 70% tổng GDP quốc gia

Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2020, toàn tuyến có quy mô kinh tế khoảng 200 - 220 tỷ USD (chiếm tới khoảng 70% tổng GDP quốc gia) và chiếm khoảng 80% dân số đô thị tăng thêm trong cả nước ở thời kỳ từ nay đến năm 2020; phấn đấu chiếm khoảng 46% khối lượng vận tải biển và khoảng 70% khối lượng hàng hóa vận chuyển Bắc - Nam vào năm 2020. Thu hút khoảng 9,0 - 9,5 triệu khách quốc tế và 40 - 41 triệu khách nội địa với doanh thu đạt 15 - 16 tỷ USD.

Giá trị thương mại trên toàn tuyến hành lang kinh tế chiếm khoảng 40% thương mại bán lẻ và khoảng 85% tổng giá trị thương mại Bắc - Nam (1/3 tổng giá trị thương mại quốc gia).

Theo Quy hoạch, các lĩnh vực sẽ được ưu tiên phát triển gồm: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng phát triển dịch vụ thương mại và du lịch, hạ tầng tại các khu kinh tế; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài...

Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa

Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và đưa vào kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 để đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý UBND tỉnh Khánh Hòa lựa chọn chỉ định đơn vị tư vấn để lập quy hoạch, lập dự án đầu tư. UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn chỉ định đơn vị tư vấn trên.

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, cả nước sẽ hình thành 5 trung tâm nghề cá ở các vùng trọng điểm. Trong đó, Khánh Hòa được chọn là địa phương để xây dựng trung tâm nghề cá vùng Nam Trung bộ.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khánh Hòa là tỉnh hội tụ đủ 6 tiêu chí để xây dựng trung tâm nghề cá khu vực như: Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; khả năng thu hút các nguồn lực, tạo sức hút về thị trường, gắn kết các khâu trong chuỗi làm tăng giá trị các sản phẩm thủy sản; sự thống nhất với các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển; nguồn nhân lực; vai trò của kinh tế thủy sản đối với kinh tế vùng và vị trí gắn với quốc phòng, an ninh, biển đảo; đánh giá độ rủi ro. Hình thành trung tâm nghề cá vùng dựa trên cơ sở thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng... nhằm xây dựng những vùng phát triển kinh tế thủy sản năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Theo đó, Khánh Hòa cũng như các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển nghề cá theo hướng bền vững. Do các địa phương đều có tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển nên có sự lan tỏa kinh nghiệm và chia sẻ trí thức trong hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, đóng tàu...

Sớm triển khai quy hoạch tài nguyên nước quốc gia

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước (quy hoạch tài nguyên nước quốc gia), trong đó cần lồng ghép với điều tra cơ bản tài nguyên nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016. Đối với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, cần rà soát, xác định các lưu vực sông quan trọng cần ưu tiên triển khai thực hiện trước để từng bước thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan chủ động rà soát lại chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để xác định các nhiệm vụ cần ưu tiên, tập trung thực hiện trong thời gian tới, trên cơ sở đó tổ chức triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kỹ các quy định trong dự thảo Nghị định quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, Nghị định về khuyến khích, ưu đãi hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, Nghị định về cấp quyền khai thác tài nguyên nước để đảm bảo tính khả thi, tránh trùng lắp.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng sơ đồ về các loại chiến lược, quy hoạch của ngành nước, trên cơ sở đó xác định những quy hoạch nào thực sự cần thiết, những quy hoạch nào có thể lồng ghép nhằm giảm thiểu số lượng quy hoạch, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ.

Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn, để kết hợp cùng với các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ của từng lưu vực thành quy trình vận hành liên hồ chứa trong cả mùa lũ, mùa cạn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện Đề án "Theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nguồn nước ngoài biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng và sông Mê Công" nhằm cung cấp thông tin, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước các sông liên quốc gia, báo cáo kết quả tại phiên họp lần thứ XV của Hội đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan triển khai lập đề án nghiên cứu, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động của khai thác nước ngầm đến sụt lún nền đất khu vực thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp khắc phục, giải quyết trước mắt và lâu dài.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc trồng bù rừng, thực hiện Chương trình trồng rừng nhằm bảo vệ tài nguyên nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội, Bộ Tàinguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống giám sát thông tin hồ chứa nước phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và chỉ đạo vận hành hồ chứa, làm cơ sở triển khai thực hiện./.

Theo VOV.VN ngày 12/02/2015