The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải thiện môi trường kinh doanh: Tham nhũng làm nhụt chí nhà đầu tư nước ngoài

Ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (UASID) lưu ý rằng, vẫn còn nhiều vấn đề mà lãnh đạo các tỉnh, thành cần quan tâm trong thời gian tới khi muốn “làm đẹp” hơn chỉ số này.

Một số ý kiến lo ngại năm nay mối liên kết giữa doanh nghiệp khu vực FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) với khu vực nhà nước sẽ không khăng khít. Theo ông, đâu là nguyên nhân? Ông có lời khuyên nào dành cho Việt Nam để có thể gắn kết được khối doanh nghiệp này?

- Đây là một vấn đề rất quan trọng. Trong báo cáo của chúng tôi cũng đã chỉ ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước chưa được chặt chẽ. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính, đặc biệt là việc đầu tư nguồn nhân lực.

Để thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân trong nước phải tăng cường khả năng cạnh tranh và xây dựng các mối quan hệ của mình với doanh nghiệp nước ngoài.

Khi mối liên kết này chưa được mạnh, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm hơn nữa, đặc biệt là trong việc sử dụng các khu công nghiệp để nâng cao hoạt động xuất khẩu.

Thông qua chỉ số PCI năm nay, ông có thể cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có sự nhìn nhận về môi trường đầu tư, cải thiện thủ tục hành chính cũng như sự hỗ trợ của chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam như thế nào?

- Trong 1 năm qua Việt Nam đã có nhiều bước phát triển lớn nhưng mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài so với năm ngoái vẫn còn một vài vướng mắc như: gánh nặng về thủ tục, các chi phí không chính thức...

Hiện nay khoảng cách chỉ số PCI giữa các tỉnh đang gia tăng. Khu vực trong nước cũng đã cải thiện được một số hoạt động cải cách hành chính, ví như vấn đề liên quan đến tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường...

Tuy vậy, một số tiêu chí cũng khiến cho không ít tỉnh, thành bị tụt lùi thứ hạng khi liên quan đến vấn đề tham nhũng, các chi phí không chính thức... khiến các nhà đầu tư nước ngoài khó nhận định và không tự tin khi đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ để xây dựng báo cáo PCI, năm 2016, USAID sẽ có hỗ trợ cho các chương trình nào của Việt Nam, thưa ông?

- Có thể nói PCI là dự án có số tiền đầu tư nhỏ nhất nhưng lợi ích mà PCI đem đến lại tác động mạnh mẽ nhất. Bên cạnh chỉ số PCI, cơ quan USAID cũng đã có thêm một dự án, đó là dự án về quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho các nhóm doanh nghiệp cụ thể.

USAID cũng hỗ trợ rất nhiều dự luật có liên quan để Việt Nam có thể dễ dàng gia nhập TPP cũng như các luật phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế.

Phía các cơ quan Chính phủ của Mỹ cũng phối hợp với Chính phủ Việt Nam để xây dựng được các luật mới, phù hợp với tình hình hiện tại, nghiên cứu, định hướng để loại bỏ bớt những dự luật không cần thiết, không hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bùi Mến

Phapluatplus.vn