The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải thiện năng lực cạnh tranh ở Sóc Trăng: Còn nhiều việc cần phải làm

Sau khi vượt 21 bậc, từ vị trí thứ 45 vào năm 2012 lên vị trí thứ 24 trong năm 2013, đến năm 2014, PCI của Sóc Trăng bất ngờ quay đầu giảm đến 12 bậc xuống vị trí thứ 36 cả nước. Còn trong khu vực ĐBSCL, tuy Sóc Trăng có tăng một bậc từ vị trí 11 lên vị trí thứ 10, nhưng không phải bằng việc "vượt lên chính mình" mà do sự sa sút mạnh của tỉnh An Giang so với năm 2013.

Sóc Trăng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới.

Theo biểu đồ chỉ số PCI của tỉnh từ năm 2007 đến năm 2014 cho thấy, 2007 là năm Sóc Trăng có chỉ số PCI đạt cao nhất với 64,68 điểm. Nhưng liền sau đó giảm mạnh xuống chỉ còn 54,24 điểm vào năm 2008. Từ năm 2008 đến năm 2011, chỉ số PCI được cải thiện trở lại và đạt mức cao nhất vào năm 2011 với 62,68 điểm, đứng thứ hạng 15 cả nước. Từ đây, một chu kỳ sút giảm tiếp tục lặp lại, với số điểm PCI năm 2012 chỉ còn 55,01 điểm, rồi tăng lại 58,97 điểm vào năm 2013 và giảm lại 58,13 điểm trong năm 2014. Điều đó cho thấy, sự thiếu ổn định về năng lực cạnh tranh của tỉnh so với một số tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Năm 2014, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 27.450 người; trong đó, số người có việc làm sau học nghề chiếm trên 70%. Các hội nghị giữa các trường đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động lớn đều được tổ chức hàng năm, nhằm nâng cao hiệu quả, kết nối liên thông chặt chẽ giữa công tác đào tạo và sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, chỉ số này lại tiếp tục giảm so với năm 2013 mà nguyên nhân chủ yếu theo đánh giá là do việc liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trên địa bàn trong việc tổ chức dạy nghề và tuyển dụng lao động vẫn còn rất khó khăn. Kinh phí hỗ trợ dạy nghề hàng năm còn thấp và lại giảm theo từng năm, cùng với đó là trang thiết bị dạy nghề đã lạc hậu, một số nơi chưa đồng bộ… nên chưa đáp ứng nhu cầu của lao động và doanh nghiệp.

Có thể thấy, trong năm qua, toàn tỉnh đã tập trung rất cao cho việc cải thiện chỉ số chi phí không chính thức thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính "một cửa" và "một cửa liên thông" tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ với trọng tâm là công tác cải cách hành chính và công tác nội bộ tại các sở, ban ngành và UBND cấp huyện, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Quách Việt Tùng, doanh nghiệp vẫn phải "đến nhiều nơi, gõ nhiều cửa", nhưng tiến độ thực hiện một số dự án vẫn còn ì ạch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Quách Việt Tùng, bức xúc: "Văn bản còn chuyển đi nhiều lần, doanh nghiệp còn phải đến nhiều nơi, có doanh nghiệp đến tỉnh 3 - 5 lần mà vẫn chưa có kết quả. Như vậy, vấn đề là nằm ở cơ chế hay trách nhiệm của các cơ quan phụ trách"?

Để cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, theo Phó Chủ tịch Quách Việt Tùng, cần tiến hành rà soát lại quy trình thực hiện để tiếp tục giảm các thủ tục, đầu mối và đặc biệt là mỗi sở, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị Quyết số 19 của Chính phủ: Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016. Phó Chủ tịch Quách Việt Tùng, đề xuất: "Đề nghị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện toàn bộ thủ tục cho doanh nghiệp. Trước mắt, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm giải quyết dứt điểm các thủ tục liên quan đến các dự án của doanh nghiệp, nhất là dự án trung tâm sản xuất tôm giống của Công ty Việt Úc và Xí nghiệp may ở thị xã Ngã Năm".

Chỉ số PCI đang ngày càng trở nên quan trọng hơn với các địa phương, nhưng vấn đề chính trong việc cải thiện chỉ số PCI của mỗi địa phương không chỉ là để cạnh tranh thứ hạng, mà cái chính là để vượt lên chính mình, nhằm tạo một hình ảnh tốt đẹp của địa phương nói chung và cơ quan công quyền nói riêng trong mắt của những nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, những gì còn khó thì cùng nhau gỡ; những gì còn bất cập thì tiếp tục kiến nghị sửa đổi, nhưng điều quan trọng không chỉ ở cơ chế chính sách, mà cái chính vẫn là ở thái độ, tinh thần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện. Giữa cơ chế và trách nhiệm đều có mối liên hệ mật thiết qua lại lẫn nhau, nhưng nếu có trách nhiệm, chắc chắn sẽ có cơ chế thoáng và hiệu quả.

Một năm nỗ lực không mệt mỏi nhằm cải thiện thứ hạng PCI của các ngành, các cấp trong tỉnh, nhưng với kết quả do VCCI công bố vừa qua thật sự là một điều không vui. Tuy nhiên, kết quả trên cũng giúp các ngành, các cấp có một cái nhìn toàn diện về năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời điểm hiện tại để có những quyết sách phù hợp, hiệu quả hơn cho tương lai. Đó mới chính là cái nhìn đúng đắn nhất về chỉ số PCI để có thể vượt lên chính mình.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ

Theo báo điện tử Cần Thơ ngày 03/08/2015