The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải thiện PCI: Cần thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan Nhà nước và DN

PCI được xem như công cụ, qua đó chính quyền địa phương nhìn nhận những điểm còn hạn chế của mình dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) để từ đó có những cách thức cải thiện những điểm yếu và tăng cường những điểm mạnh của tỉnh.

Qua 10 năm tiến hành điều tra, đánh giá chỉ số PCI của VCCI, Tiền Giang đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, phân tích những trọng số chưa được đánh giá cao và xây dựng các kế hoạch cụ thể để cải thiện chỉ số PCI nhưng tình hình bị giảm điểm liên tục từ năm 2010 đến nay, đặc biệt thứ hạng PCI của tỉnh không ổn định, bị sụt giảm sâu và liên tục trong 2 năm gần đây:

Năm 2013 (hạng 37/63), năm 2014 (hạng 52/63). Theo công bố của VCCI về chỉ số PCI năm 2014, Tiền Giang đã rơi vào nhóm có chỉ số PCI được đánh giá là tương đối thấp, đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp tổng số điểm để xếp hạng PCI của Tiền Giang bị sụt giảm.

Nếu so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, PCI năm 2014 của Tiền Giang chỉ xếp trên Cà Mau và cách xa các tỉnh khác ít nhất 14 thứ bậc. So với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2014 chỉ còn Tiền Giang và Cà Mau xếp vào nhóm có chỉ số PCI tương đối thấp, các tỉnh khác từ khá, tốt và rất tốt, điển hình là Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Long An.

Còn nếu đi sâu vào phân tích các chỉ số thành phần, trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2014 của Tiền Giang thì có đến 7 chỉ số giảm điểm. Đáng chú ý là có một số chỉ số thành phần giảm điểm rất sâu như: Cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức...

Số liệu tổng hợp các chỉ số thành phần cho thấy, việc nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần của tỉnh chưa mang tính bền vững và không đạt mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, chỉ số thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức đã được cải thiện khá tốt năm 2013, nhưng đến năm 2014 lại giảm điểm khá nhiều; tính năng động giảm liên tục từ năm 2013 và giảm sâu hơn vào năm 2014 (từ 5,61 điểm năm 2013 xuống còn 4,13 điểm năm 2014).

Từ thực tế xếp hạng chỉ số PCI của VCCI cho thấy, điểm số của Tiền Giang có xu hướng đi xuống, đồng nghĩa với việc đánh giá về môi trường thu hút đầu tư, sản xuất - kinh doanh của tỉnh đang dần kém hấp dẫn, DN đang chờ đợi những cải tiến mang tính đột phá mạnh hơn về thiết chế pháp lý, sự bình đẳng cao hơn, sự hỗ trợ DN nhiều hơn để DN sớm giải quyết được những khó khăn trong hoạt động, trong quá trình tiếp cận đất đai...

Từ bức tranh chung qua đánh giá của VCCI cũng như thực tế PCI của Tiền Giang trong những năm gần đây đã và đang đặt ra những bài toán khó cho các tỉnh, thành trong việc nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần trong cơ cấu 10 chỉ số của PCI.

Đối với Tiền Giang, dựa trên Kế hoạch 122 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia 2 năm 2015 - 2016, trước mắt Tiền Giang nỗ lực đưa chỉ số PCI của tỉnh vào nhóm khá trong năm 2015 và cố gắng năm 2016 được xếp hạng trên mức trung bình của nhóm khá và không có chỉ số thành phần bị đánh giá dưới 5/10.

Việc cải thiện và nâng cao chỉ số PCI nhằm cải thiện môi trường đầu tư thông qua nhiều hình thức, nội dung khác nhau được các chuyên gia, DN đặt ra sôi nổi tại hội nghị lần này. Để cải thiện chỉ số PCI, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá về thực trạng các lĩnh vực quản lý ngành trong quý 4-2015 và năm 2016; đồng thời giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, tiếp tục phối hợp với VCCI Chi nhánh Cần Thơ tổ chức các hoạt động khảo sát DN trên địa bàn tỉnh nhằm thu thập bổ sung đánh giá của DN dựa trên 10 chỉ số thành phần của PCI nhằm làm cơ sở xây dựng kế hoạch hành động cải thiện chỉ số PCI của tỉnh...

THẾ ANH

Làm gì để cải thiện chỉ số PCI?

* BÀ NGUYỄN NGỌC LAN, PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM:

Cải thiện PCI là quá trình liên tục

Dựa trên kinh nghiệm của các tỉnh, thành khác cho thấy, việc cải thiện chỉ số PCI là một quá trình liên tục và cần tập trung vào các nhóm giải pháp ưu tiên.

Thứ nhất, cần đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò của DN: Coi DN là đối tác đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; cân bằng mối quan tâm DN đang hoạt động tại địa phương và các nhà đầu tư mới; gạt bỏ tư tưởng xem nhẹ vai trò DN nhỏ và vừa.

Thứ hai, cải thiện cơ chế phối hợp giữa sở, ngành: Thực hiện nguyên tắc "đồng thuận" giữa các sở, ban, ngành... dựa trên cơ chế phối hợp chặt chẽ, tránh hình thức; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đại diện giải quyết công việc liên quan đến DN.

Thứ ba, tăng cường vai trò của Hiệp hội DN: Hiệp hội phải dựa trên nhu cầu của tất cả các đối tượng DN; hiệp hội cần được trao quyền đại diện cho cộng đồng DN phản ánh những vấn đề bất cập của chính sách và việc thực thi; được ủng hộ và phát huy vai trò cầu nối trong mọi đối thoại giữa chính quyền và DN.

Thứ tư, phát huy sức mạnh truyền thông: Để các cơ quan truyền thông luôn đồng hành với việc làm của các cơ quan của tỉnh cũng như DN; truyền thông qua từng thành viên chính cộng đồng DN và đặc biệt lưu ý khi địa phương tổ chức các sự kiện lớn trong năm.

* ÔNG NGUYỄN VĂN ĐẠO, TỔNG GIÁM ĐỐC GODACO:

Rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và DN

Là đơn vị đầu tư ở nhiều tỉnh như: Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre... nên có điều kiện so sánh về các chỉ số cũng như sự lãnh đạo của tỉnh; của các sở, ngành đối với DN có thể ảnh hưởng đến chỉ số PCI.

Thực tế cho thấy rằng, Tiền Giang có một số điểm mạnh nhưng cũng có một số điểm cần phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Thứ nhất, sự đồng hành giữa chính quyền và DN là chỉ tiêu rất quan trọng; thời gian trước tỉnh Tiền Giang đã làm được rất tốt nhưng sau này khoảng cách giữa DN và chính quyền ngày càng xa, nên DN cũng khó thể hiện những mong muốn, nguyện vọng chính đáng; trong khi mỗi năm tỉnh tổ chức họp mặt DN 1 - 2 lần nhưng trước diễn đàn DN cũng rất khó nói hết được những vướng mắc, khó khăn.

Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay còn rất phức tạp, chồng chéo. Dẫn chứng là thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đi khoảng 150 nước, trong đó GODACO cũng xuất khẩu đến khoảng 50 nước, mỗi nước có một quy định, văn hóa khác nhau nhưng DN không khó đáp ứng vì được quy định rõ ràng, chi tiết mà chỉ lo "chết" ngay ao nhà. Do vậy, thời lượng một tổng giám đốc dành cho kinh doanh chỉ khoảng 20%, còn lại là thời gian làm những công việc đối phó.

* ÔNG TRẦN ĐỖ LIÊM, CHỦ TỊCH HĐQT HTX RẠCH GẦM:

DN cần chủ động xử lý tình huống

Cải thiện chỉ số PCI cần nhiều yếu tố nhưng yếu tố con người mang tính quyết định. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đều đi lên từ sản xuất nhỏ, ít được qua đào tạo. Nếu làm với quy mô nhỏ thì đủ sức điều hành nhưng khi nền kinh tế đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng DN sẽ gặp khó khăn ngay.

Do đó, đào tạo cho lực lượng quản lý DN là cần thiết, trong đó cần có vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó là việc cung cấp thông tin cho DN là rất quan trọng. Tuy nhiên, DN cũng cần chủ động xử lý mọi tình huống, nhất là trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn.

Theo báo Ấp Bắc ngày 14/09/2015