The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây đã có sự cải thiện tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 phần nào làm chững lại những nỗ lực cải cách. Hơn bao giờ hết, DN đang rất cần một môi trường kinh doanh (MTKD) thuận lợi, an toàn hơn, giảm mọi chi phí để phục hồi kinh tế.
Nhiều chuyển biến tích cực
MTKD là trụ cột quan trọng của cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Với tầm quan trọng đó, Chính phủ xác định cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Từ năm 2014 tới nay, hằng năm Chính phủ đã ban hành các giải pháp về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014 đến 2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP (từ năm 2019 đến 2022). Với sự quyết tâm đó, quá trình cải thiện MTKD của Việt Nam đã có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương và đạt những kết quả ấn tượng.
Những năm gần đây, Quảng Ninh trở thành mảnh “đất vàng” thu hút nhiều DN trong nước và nước ngoài tìm đến đầu tư. Năm 2021 dù còn nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt hơn 360.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút FDI có bước đột phá, đạt hơn 1 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng: Thành công này chính là nhờ những nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thay đổi có thể nhìn rõ nhất trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Quảng Ninh chính là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số PCI của Quảng Ninh được nâng cao, giữ vững 8 năm liên tiếp (2013-2020) đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, 4 năm liên tiếp (2017-2020) dẫn đầu cả nước về PCI; Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 đến nay. “Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát nghị quyết về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các chỉ đạo của Chính phủ”, ông Bùi Văn Khắng khẳng định.
Đánh giá về những chuyển biến tích cực về MTKD của Việt Nam, theo Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân: Đối với chất lượng MTKD, có đến 60% DN đánh giá MTKD trong nước đã cải thiện tốt hơn, rõ rệt hơn, trong đó việc thành lập DN và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và DN trong, ngoài nước. Điển hình như: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới-WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới-WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018.
Mấu chốt là ở khâu thực thi
Trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, cùng những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, các DN đang bị ảnh hưởng lớn do các chi phí đầu vào tăng cao. Vì vậy, những nỗ lực về cải cách, cải thiện MTKD được kỳ vọng là giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có sự đứt gãy nhất định của quá trình và xu thế cải cách, cải thiện MTKD. Theo đó, trong gần hai năm qua, có một số biện pháp chống dịch khá cực đoan đã tác động lớn đến MTKD và sự phát triển của DN.
Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết: "Cải cách MTKD ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể vẫn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm hai bậc (từ thứ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104). Điều đó đòi hỏi cải cách MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh phải đi vào thực chất. Việc cải cách đó phải theo nghĩa là tiệm cận các thông lệ quốc tế để bảo đảm yêu cầu cạnh tranh quốc tế. Cải cách MTKD phải vì DN, vì người dân, nhất là tập trung tháo gỡ những tác động do dịch Covid-19 gây ra”.
Xuất phát từ yêu cầu này, ngay đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 với thiết kế tổng thể về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Nội dung của Nghị quyết số 02/NQ-CP là tập trung cải thiện các yếu tố của MTKD theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát...
Đánh giá về những nỗ lực trong cải thiện MTKD, chuyên gia kinh tế Trần Đình Cung cho rằng: "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy cải cách thể chế, cải thiện MTKD luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đã thể hiện cam kết rõ nét của Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN phát triển". Ông Trần Đình Cung đề xuất: Các bộ, ngành, địa phương cần có sự triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ của Chính phủ về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản, không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi trong các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh và hoạt động của DN.
Nhấn mạnh tới vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) dẫn chứng, ở nơi nào vai trò lãnh đạo và quyết tâm của người đứng đầu mạnh thì vấn đề thúc đẩy thực thi chính sách, trong đó có cải cách thủ tục hành chính sẽ được triển khai thuận lợi và ngược lại. “Chính sách, kế hoạch cải cách thì địa phương nào cũng có, nhưng công tác thực hiện có đi vào thực tiễn hay không, DN, người dân có được thụ hưởng từ những chính sách cải cách hay không thì lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm, nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành”, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.
Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: “Nhìn từ cả quyết tâm chính trị và cơ chế cụ thể, cơ hội để cải cách đã có. Vấn đề chỉ còn là khâu thực thi”.