The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cải thiện tín nhiệm quốc gia: Đồng bộ chất lượng quản trị quốc gia

Trao đổi với DĐDN, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định, mục tiêu của Đề án là nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia là nhu cầu thay đổi tự thân chứ không phải là áp lực từ bên ngoài, thể hiện sự tự tin, nỗ lực của Việt Nam.
- Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”, phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, ở góc độ là người nhiều năm chủ trì thực hiện Báo cáo chỉ số năng lực cạnh canh cấp tỉnh (PCI) ông nhận định thế nào về Đề án trên?
Đề án thể hiện tầm nhìn, tư duy kinh tế rõ ràng, và là tín hiệu tích cực về triển vọng kinh doanh trong thời gian sắp tới.
Đây là đề án rất toàn diện thể hiện Việt Nam sẵn sàng chủ động về thông tin, minh bạch về thông tin đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; các chính sách về tài khóa, tiền tệ, giá, thương mại, đầu tư, nợ công…
Để đạt được mục tiêu phát triển tăng trưởng GDP mà Quốc hội giao cho Chính phủ, nhất là sau 2 năm tăng trưởng thấp do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh thì các điều kiện phát triển kinh tế, huy động vốn quốc tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đề án này liên quan đến rất nhiều Bộ, ban, ngành. Đặc biệt là vai trò của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước…
Đề án hướng tới không chỉ xây dựng hình ảnh quốc gia, môi trường kinh doanh, nền kinh tế mà tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Cụ thể, việc huy động vốn của quốc gia cũng như doanh nghiệp được hay không, vốn vay rẻ hay đắt, điều kiện vay cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam dài hay ngắn, quy mô vốn lớn hay nhỏ cũng phụ thuộc rất nhiều vào chỉ số tín nhiệm quốc gia này.
- Ông đánh giá thế nào về triển vọng đến năm 2030 Việt Nam đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên?
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s hay S&P và Fitch có vị trí độc lập nhưng họ có cách thức và phương pháp đánh giá chuyên nghiệp, có uy tín với giới đầu tư thế giới. Việt Nam đã tiến bước dài trong việc tiếp nhận, lắng nghe và sử dụng đánh giá của các tổ chức và định chế quốc tế.
Cách đây gần chục năm, có những đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế về môi trường kinh doanh đã gặp phải những ý kiến phản hồi thiếu tích cực từ các Bộ ngành và Trung ương về tính khách quan, chính xác… nhưng sau này chúng ta dần thay đổi. Chính vì đổi cách tiếp cận như vậy, Việt Nam đã nâng cấp được môi trường kinh doanh của mình lên cấp độ mới, cao hơn, có thể đua tranh với các quốc gia hàng đầu trong khu vực. Việt Nam đã và đang đặt ra mục tiêu phải vào top đầu ASEAN… về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh.
Trong đề án này, Việt Nam nhấn mạnh tới các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế vĩ mô như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.
Điểm đáng chú ý trong các chỉ tiêu đưa ra không chỉ có các chỉ tiêu về kinh tế được nhấn mạnh, có những mục tiêu rất tiến bộ như: chỉ số phát triển con người (HDI); các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường...
- Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tiến trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng cao uy tín của quốc gia như thế nào thưa ông?
Một nền kinh tế chỉ mạnh khi các doanh nghiệp mạnh. Một nền kinh tế chỉ phát triển bền vững khi định hướng của các ngành hàng, của từng doanh nghiệp phải bền vững. Muốn đạt được các tiêu chí mà Đề án đưa ra thì vai trò của các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng.
Nhìn một cách rộng ra, mức độ tín nhiệm, uy tín, hình ảnh của một quốc gia cần được xác lập bởi chính hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp quốc gia đó. Chẳng hạn, một người dân ở nước khác có thể chưa đến Việt Nam nhưng khi họ dùng một sản phẩm của Việt Nam, chất lượng tốt hay không, cảm tình hay không sẽ là một bước để nhận diện hình ảnh quốc gia. Nhiều người dân Việt Nam cảm tình với nước Nhật Bản khi chúng ta tín nhiệm về chất lượng của hàng Nhật, thiện cảm với sự tuân thủ pháp luật nghiêm túc các doanh nghiệp Nhật Bản.
Bởi vậy, ở một số nước phát triển như Bắc Âu, họ có các tổ chức độc lập chuyên giám sát, đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp nước họ đang hoạt động tại các quốc gia khác. Ví dụ, Thuỵ Điển có tổ chức xã hội Swedwatch chuyên đi điều tra, độc lập đánh giá các tập đoàn của Thuỵ Điển đang đầu tư tại các quốc gia khác xem có vi phạm các quy định và tiêu chuẩn tại nước họ đang đầu tư hay không...
Chính vì vậy, trong bối cảnh mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới các chuẩn mực cao hơn về kinh doanh phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường, phát thải, quan hệ lao động…
- Xin cảm ơn ông!