The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cam go cuộc chiến chống chuyển giá

KTĐT - Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013, khoảng 20% doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thừa nhận có thực hiện việc chuyển giá.

Trong khi đó, tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm, khai báo nộp thuế đúng và đầy đủ của nhiều DN FDI chưa cao. Vì vậy, công tác chống chuyển giá để chống thất thu ngân sách trở thành một vấn đề hết sức khó khăn và cấp bách. Xử lý vẫn còn nhẹ Báo cáo mới nhất của ngành thuế gửi Bộ Tài chính cho thấy, trong tổng số trên 120.000 cuộc thanh, kiểm tra do ngành thuế thực hiện từ trước đến nay, ngành thuế đã kiến nghị thu trên 8.400 tỷ đồng cho ngân sách. Ông Phạm Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế) cho biết, có một bộ phận DN thực hiện chuyển giá nhưng cơ quan chức năng chưa bóc tách được các hoạt động này. Khi tập trung làm mạnh hoạt động chống chuyển giá, số thuế phải nộp của các DN FDI đã tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước. "Tuy nhiên, tình trạng chuyển giá hiện vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tinh vi nên gây khó khăn trong quá trình xử lý, nhất là các vụ việc cố tình vi phạm chuyển giá nhằm tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế" - ông Tùng cho biết.

Trên thực tế, thành công duy nhất của Việt Nam liên quan tới chống chuyển giá cho tới nay là vụ Cục Thuế Lâm Đồng xử lý các công ty xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh vì hành vi kê khai giá xuất khẩu quá thấp. Nhưng, theo GS. TS Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính, thành công ở vụ việc này không hoàn toàn trọn vẹn, bởi Cục Thuế Lâm Đồng đã dùng biện pháp hành chính, chứ không phải là dùng công cụ kiểm soát giá giao dịch độc lập để xử lý DN có dấu hiệu chuyển giá. Theo đó, UBND tỉnh đã phải "dọa" sẽ thu hồi đất, đồng thời chỉ đạo Sở KH&ĐT dừng cấp phép bổ sung vốn đầu tư đối với các dự án của những DN FDI báo lỗ thường xuyên. Đến lúc đó, DN mới chịu điều chỉnh giá xuất khẩu chè tăng lên để thay đổi tình trạng lỗ triền miên nhưng vẫn muốn mở rộng sản xuất. Song, mức giá điều chỉnh thực chất vẫn còn khoảng cách rất xa so với giá giao dịch thực tế ngoài thị trường. Không thể hành động đơn lẻ Thanh tra Chính phủ mới đây thừa nhận, hiện tượng DN "lỗ giả, lãi thật", chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết với nước ngoài có xảy ra ở Việt Nam, song nhận diện được là một chuyện, còn giải quyết được hay không lại là một vấn đề khác. Suốt thời gian dài, hàng trăm DN FDI liên tục báo lỗ nhưng vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh. Hàng loạt DN nước ngoài tên tuổi lớn bị đưa vào vòng nghi vấn nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận là có chuyển giá hay không mà chỉ dừng lại ở "đã có những hành vi vi phạm luật!". Phân tích nguyên nhân của tình trạng chuyển giá, Báo cáo PCI 2013 cho rằng, chính sách thuế của Việt Nam còn hạn chế và hay thay đổi. Vì vậy, cần điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm: Xem xét lại các mức thuế suất áp dụng cho đối tượng liên quan; điều chỉnh thuế thu nhập DN theo tương quan với các nước đối thủ cạnh tranh… TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư lại cho rằng nếu chỉ trông chờ vào việc hài hòa lợi ích các bên hay hạ thuế là chưa đủ. Do đó, cái gốc của câu chuyện chống chuyển giá vẫn phải là chứng minh DN cố tình thực hiện hành vi này thông qua các biện pháp kỹ thuật, thay vì trông chờ vào việc ngăn chặn bằng các biện pháp thuế. Theo các chuyên gia, hiện có nhiều loại hình quản lý thuế như APA (cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế) dưới hình thức đơn phương, song phương và đa phương. Vấn đề hiện nay là Việt Nam cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá, thành lập ban chỉ đạo chống chuyển giá các cấp trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, hải quan, KH&ĐT, KH&CN, công thương… để kiểm soát toàn bộ quá trình hoạt động của các DN FDI từ khi cấp phép hoạt động, nhập khẩu máy móc thiết bị, nhập vật tư nguyên liệu, đến khi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cũng có thể học tập kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản là áp dụng hình thức thỏa thuận trước về giá với DN để hạn chế việc chuyển giá. Theo đó, có thể thỏa thuận theo hình thức nộp thuế trên một đơn vị sản phẩm, hay dựa vào doanh số bán ra…

Từ cuối năm 1992 đến nay, Việt Nam đã đàm phán và ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do đặc thù của thanh tra giá chuyển nhượng đòi hỏi phải mất nhiều thời gian để thu thập thông tin, phân tích, đối chiếu và kiểm tra số liệu... trong khi thời hạn cho một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tại Việt Nam rất ngắn (bị giới hạn bởi quy định tại Luật Thanh tra) dẫn tới không đủ thời gian để thực hiện các công việc cần thiết trong quá trình thanh tra. Ông Bùi Văn Nam Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế
Nguyên Anh