The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cam go nhất là cuộc đấu tranh giữa “cũ” và “mới”

Cải cách đã là một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu góp phần khiến tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 8 năm qua.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 19, động lực cải cách đã truyền mạnh từ Trung ương đến các bộ ngành và địa phương. Sau 12 năm kể từ ngày báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được công bố, hiệu ứng cải cách và đã lan tỏa tạo thành cuộc thi đua cải cách giữa các địa phương.

PCI và Nghị quyết 19 vừa tạo áp lực, vừa tạo nguồn cảm hứng cho nhiều chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở các cấp, và khiến cho “cuộc thi đua” cải cách trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta chưa thể bằng lòng.

Năng lực cạnh tranh và bức tranh mùa xuân

Trong bốn năm qua, Chính phủ đã liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Những nỗ lực này đã đem lại kết quả đáng ghi nhận, thứ hạng môi trường kinh doanh đã liên tục được cải thiện, trong đó năm 2016 tăng 9 bậc.

“Chúng tôi đã nhận thấy rất nhiều thay đổi tích cực và những nỗ lực không ngừng nghỉ từ Chính phủ, với cách tiếp cận cởi mở, sẵn sàng tiếp thu và lắng nghe, tính kiến tạo và tinh thần xây dựng, lấy người dân và DN làm trọng tâm phục vụ. Điều này khiến các DN EuroCham rất phấn khởi và cảm kích. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ”, ông Võ Văn Huệ – Phó Chủ tịch Eurocham cảm nhận.

Ông Đậu Anh Tuấn – trưởng ban Pháp chế (VCCI) đã thuyết minh cho bức tranh rằng “mùa xuân khởi đầu một chu trình vận động của tự nhiên, sắc xuân luôn đem lại sự hứng khởi và sáng tạo. Chính phủ và chính quyền các địa phương có rất nhiều hứng khởi, và cộng đồng DN đã được thụ hưởng những kết quả của quá trình cải cách đang diễn ra”.

Kết quả của quá trình cải cách đã giúp 65% DN hoạt động có lãi, quy mô vốn trung bình của các DN đã tăng lên mức 18,1 tỷ đồng. Tỷ lệ DN tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016. Các DN tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tương đương mức năm trước.

Điều tra 1.550 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2016 cũng cho thấy dấu hiệu tích cực: 11% số DN FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% số DN đã tuyển thêm lao động, hơn 50% số DN FDI có ý định tăng quy mô hoạt động. Các DN FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng đã giảm bớt.

Một xung lực cải cách mạnh mẽ và đồng bộ

Nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành thể hiện rõ ở sự phát triển của khu vực tư nhân. “Một điểm cải thiện trong chỉ số PCI gốc sẽ giúp tăng tỉ lệ DN thành lập mới lên 2,7%. Tăng một điểm trong PCI sẽ giúp tăng thêm DN thành lập mới lên 3% trong 10 năm tiếp theo”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Kết quả này phần nào được thể hiện cụ thể trong số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): trong 2 tháng đầu năm 2017, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 22.428 DN, trong đó: có 14.451 DN thành lập mới và 7.977 DN quay trở lại hoạt động (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Hiện nay, đang có một sung lực cải cách mạnh mẽ và đồng bộ được thực hiện. Đặc biệt, là những động thái cải cách tích cực từ cấp cơ sở đã tạo nên một bước đi mới cho cải cách”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phấn chấn.

Kết quả của nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19 đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận: “Đã tạo khí thế rất tốt và củng cố niềm tin cho cộng đồng DN”. Và cải cách đã là một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu góp phần khiến tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 8 năm qua. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng “chưa thể hài lòng”, bởi dù đã cải thiện được nhiều nhưng so với kỳ vọng thì vẫn còn cách xa.

Đó là còn rất nhiều những quy định bất cập phải sửa đổi đã nêu liên tục trong các Nghị quyết 19, mà đến nay vẫn chưa làm được. Đó là danh mục hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, là quy định về kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu… và số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn ở mức 30-35%, trong khi Nghị quyết 19 yêu cầu giảm còn 15%.

Nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. DN vẫn còn cảm thấy gánh nặng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hậu đăng ký kinh doanh… và nguy cơ lạm dụng điều kiện kinh doanh đang hiện hữu, giấy phép con vẫn còn tồn tại…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Cái khó nhất trong cải cách là cuộc đấu tranh giữa cái cũ, cái mới. Ông kêu gọi tất cả các bộ ngành cùng vào cuộc và điều quan trọng là làm sao chính sách xuống được đến cơ sở. Phó Thủ tướng đã yêu cầu “Những người hoạch định chính sách cần phải nhìn thẳng sự thật, nếu né tránh sẽ không bao giờ sửa đổi, cải cách được…”.

Áp lực và cảm hứng cải cách cùng với một Chính phủ kiến tạo đã lan truyền từ những hành động chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng. Cộng đồng DN và xã hội kỳ vọng cải cách không giảm tốc, như ông Đậu Anh Tuấn phát biểu: “mùa Xuân này đang báo hiệu mùa vàng bội thu ở phía trước với những hành động thiết thực ngày hôm nay”.

Linh Linh

VFpress