The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cần cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế Trung Du và Miền núi phía Bắc

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, để phát triển kinh tế cho các tỉnh miền núi phía Bắc, thì điều tiên quyết là phải có chính sách đặc thù. Vì nếu không có tính đặc thù, thì nghị quyết cho những vùng như thế sẽ trở thành chung chung.
ban kinh tế trung ương
Toàn cảnh hội thảo được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức ngày 14/12. Ảnh: Thành Trung.

Ngày 14/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung Du và Miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Nghị quyết 37-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Bắc.

Khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh miền núi

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ tích cực của Trung ương; sự chủ động, sáng tạo nắm bắt cơ hội, cố gắng vươn lên của hệ thống chính trị và đồng bào dân tộc các địa phương trong vùng, kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và các địa phương trong vùng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm của các tỉnh giai đoạn 2004 - 2018 đạt mức gần 10%. Thu nhập, tính theo GRDP bình quân đầu người, đạt 43,6 triệu đồng/người vào năm 2018, gấp gần 9,8 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại (năm 2018 công nghiệp, xây dựng chiếm 40,43%; dịch vụ chiếm 35,86%; nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18,6%; thuế và trợ cấp sản phẩm chiếm 5,11%...).

ông nguyễn văn bình
Ông Nguyễn Văn Bình (giữa) cùng các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tại triển lãm nhân dịp tổ chức hội thảo. Ảnh: Thành Trung.

Ông Hầu A Lềnh - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đã góp phần quan trọng khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng. Không những với mỗi địa phương, mà có sự liên kết giữa địa phương có thế mạnh tương đồng với nhau. Việc liên kết này góp phần xây dựng vùng này trở thành vùng kinh tế trọng điểm những lĩnh vực có thể mạnh như khoáng sản, thủy điện, du lịch, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đảm bảo quốc phòng an ninh.

“Sau 15 năm triển khai, Nghị quyết 37 đã đem lại những hiệu quả vô cùng to lớn cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và các lĩnh vực khác đối với bà con nhân dân” - ông Hầu A Lềnh nói.

Đánh giá về kết quả sau 15 năm triển khai Nghị quyết 37, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, kinh tế - xã hội của khu vực này đã có sự chuyển biến rất tích cực. Môi trường kinh doanh được cải thiện, thứ bậc trong bảng xếp hạng PCI đã tiến bộ rõ rệt.

“Ở khu vực này, đã có những doanh nghiệp đang trong nhóm dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Số lượng doanh nghiệp tăng lên gấp 3 lần, các dự án với mức đầu tư lớn đã bắt đầu xuất hiện ở vùng này. Trong đó có những dự án mang tính chất độc lập, đóng vai trò trung tâm, có khả năng lan tỏa sự phát triển” - ông Lộc nói.

Cần có cơ chế đặc thù để bứt phá

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các ý kiến cũng cho rằng, sự phát triển của vùng còn nhiều hạn chế, bất cập. Trước thực trạng đó, ngày 26/3/2019, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 184-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến 2020.

"Việc tổ chức hội thảo là nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết 15 năm qua, những thành tựu đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó dề xuất những chủ trương, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - ông Bình nói.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, có hai vấn đề quan trọng để phát triển vùng, đó là đầu tư và cơ chế chính sách. Do những đặc thù khó khăn cùng với vị trí, vai trò quan trọng của vùng, phải có tầm nhìn để ưu tiên nguồn lực ngân sách trung ương đầu tư cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

“Việc đầu tư cần trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án có tính liên kết lan tỏa và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút được đầu tư của xã hội, tạo nguồn lực phát triển cho vùng. Phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an ninh quốc phòng, gắn với vấn đề tôn giáo và dân tộc” - ông Bình nói.

Ông Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để phát triển kinh tế cho các tỉnh phía Bắc, thì điều tiên quyết là phải có chính sách đặc thù. Vì nếu không có tính đặc thù, thì nghị quyết cho những vùng như thế sẽ trở thành chung chung.

“Đối với vùng Trung Du, miền núi phía Bắc không thể phát triển kinh tế theo logic truyền thống, theo nghĩa là phát triển công nghiệp, hay khai thác mỏ, chế biến. Tôi cho rằng, những vùng không thể phát triển kinh tế theo logic cũ thì có thể có những lợi thế để phát triển riêng, mang tính hiện đại hơn. Tính độc đáo đấy cho phép sản phẩm tiếp cận được với thị trường thế giới, với nền tảng công nghệ cao” - ông Thiên nói./.

Vân Hà