Cần có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Lai Châu
Đó là một trong những kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu tại buổi làm việc với Đoàn công tác Phòng Công nghiệp – Thương mại (CN-TM) Việt Nam về tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và ngày 12/3/2015; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia chiều ngày 24/8.
Đồng chí Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan tham dự buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.
Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung thực hiện các nội dung của nghị quyết với trọng tâm thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các sở, ban, ngành đã rút ngắt thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ 5 ngày xuống còn 3 ngày; thời gian thực hiện khởi sự doanh nghiệp còn 6 ngày. Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đến nay đã cổ phần hóa 2 doanh nghiệp, triển khai thoái vốn của 3 doanh nghiệp… Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh được triển khai thông qua sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Đồng thời, ban hành chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thông qua Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 19/4/2016…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu những khó khăn, thách thức, những nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ khi chia tách, thành lập đến nay. Đến nay, 100% các xã đã có đường xe ô tô, lưới điện, trường học, trạm y tế đến xã; tỷ lệ che phủ rừng đạt 46%; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nông dân chuyển đổi từ gieo cấy lúa, ngô 1 vụ lên 2, 3 vụ/năm. Xây dựng được các thương hiệu lúa tẻ râu, chè Lai Châu và tới đây là sản phẩm cao su Lai Châu… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh… Đồng thời kiến nghị: Đối với các tỉnh miền núi biên giới như Lai Châu cần có chính sách, cơ chế đặc thù riêng nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát huy nội lực từ chính doanh nghiệp, cá nhân tạo bước tiến mới trong khai thác sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường…
Đồng chí Phạm Ngọc Thạch – Phó Trưởng Ban Pháp chế, VCCI - Phòng CN-TM Việt Nam nhấn mạnh, Lai Châu đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Vì vậy, để cải tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh, Lai Châu cần xây dựng môi trường đầu tư phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác cải cách hành chính tham gia các lớp tập huấn về phương pháp luận, cách thức đo lường chỉ số môi trường kinh doanh, chỉ số cấp phép xây dựng, đăng ký quyền sở hữu tài sản, tiếp cận điện năng… do Bộ Công thương tổ chức. Đồng thời, lồng ghép những khó khăn, vướng mắc, cũng như những vấn đề tỉnh quan tâm trong quá trình triển khai cải tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh…
Theo chương trình, ngày 25/8, Đoàn sẽ làm việc với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công thương và Cục thuế tỉnh.