Cân nhắc mức thuế chuyển nhượng vốn phù hợp hơn
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính về thuế suất đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là 1% trên giá trị chuyển nhượng trong Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa phù hợp, cần cân nhắc lại mức thuế suất này.
Đề xuất thay đổi cách tính thuế chuyển nhượng vốn được cơ quan soạn thảo đưa ra xuất phát từ lý do chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng tại nước ngoài. Cụ thể, khi chuyển nhượng vốn, các doanh nghiệp nước ngoài thường kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, trong khi Việt Nam chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng. Do đó, cơ quan thuế mới chỉ thu được thuế chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, trong thực tế sẽ có một số giao dịch có thể dễ dàng kiểm chứng được giá chuyển nhượng, một số giao dịch khác thì khó khăn hơn. Do đó, việc đưa tất cả các giao dịch về cùng một cách tính thuế có thể sẽ chưa thực sự phù hợp.
“Trong một số trường hợp, việc chuyển nhượng vốn chỉ nhằm mục đích cơ cấu lại khoản đầu tư trong cùng một tập đoàn kinh tế nước ngoài. Do đó, việc chuyển nhượng vốn này không làm phát sinh lợi nhuận của tập đoàn và không nên đánh thuế trong trường hợp này. Một số trường hợp khác khi các bên giao dịch đã thể hiện rõ giá chuyển nhượng trong hợp đồng lớn hơn nhiều giá vốn, hoặc giá đó đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài xác nhận thì cũng nên tính thuế theo lợi nhuận chuyển nhượng”, VCCI lập luận.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trường hợp đủ căn cứ để xác định giá chuyển nhượng là trung thực, khách quan thì áp dụng giá đó; trường hợp không xác định được thì tính thuế trên doanh thu. Đi kèm với đó, cần quy định chi tiết hướng dẫn cách xác định giá chuyển nhượng.
Ngoài ra, vấn đề chuyển nhượng vốn gián tiếp vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để trong dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này có thể làm phát sinh những xung đột trong quá trình áp dụng pháp luật giữa cơ quan thuế và các nhà đầu tư. Do đó, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm và đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Trong trường hợp chưa thể đưa luôn vào Luật thì cần cân nhắc quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dùng này.
Cũng theo VCCI, về mức thuế suất, Dự thảo luật đưa ra mức 1% trên giá trị chuyển nhượng, nhưng khi so sánh với mức thuế suất chuyển nhượng chứng khoán hiện hành chỉ có 0,1% thì đây là mức chênh lệch tương đối lớn. Về bản chất, chuyển nhượng vốn là chứng khoán (cổ phần) và chuyển nhượng vốn không phải chứng khoán (phần vốn góp) không có sự khác biệt đáng kể. Mức chênh lệch thuế suất này còn có thể kéo theo tình trạng tránh thuế hợp pháp bằng cách chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần để giảm số thuế phải nộp, sau đó lại chuyển đổi từ công ty cổ phần về công ty TNHH. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mức thuế suất phù hợp hơn.