Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo nhận định rằng, Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng hiện nay đã giúp quy trình xem xét, điều chỉnh giá điện công khai, minh bạch hơn trước.
Dự thảo điều chỉnh thẩm quyển EVN được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên qua nghiên cứu và xin ý kiến của các bộ, ngành…, Bộ Công Thương cho rằng, vẫn cần phải nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong 1 năm và hàng năm theo biến động thông số đầu vào; điều chỉnh thẩm quyền quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi điều chỉnh giá bán điện trong phạm vi cho phép, đồng thời cần tăng cường việc giám sát của cơ quản quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chi phí sản xuất kinh doanh điện các khâu và giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm.
Dự thảo cũng đề cập trong những năm tới, việc quy định tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm. Mức tăng giá tối thiểu 7% trở lên cũng được đánh giá là cao, mỗi lần tăng giá điện sẽ có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách an sinh xã hội.
Do đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài Chính dự thảo quy định lại tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.
Đặc biệt, trong trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.
Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.
Nếu giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân.
Chỉ trong trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương mới chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cân nhắc mở rộng thẩm quyền điều chỉnh giá
Góp ý dự thảo Quyết định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đồng tình với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện (3 tháng thay vì 6 tháng như trước đây) và giảm biên độ tối thiểu điều chỉnh giá điện (tăng 3% thay vì 7% so với trước đây).
VCCI cho rằng, đây là sự thay đổi phù hợp, giúp cho giá điện sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn, bám sát diễn biến của các chi phí đầu vào và giúp EVN chủ động hơn trong việc điều hành sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, góp ý của VCCI cũng đặt ra điều kiện là đi kèm với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cũng cần giảm ở mức tương ứng thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá. Cụ thể là, nếu giá điện bình quân tăng từ 3% - 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương, tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo này đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện. Với quy định hiện hành, EVN không được quyền quyết định điều chỉnh giá điện, nhưng ở dự thảo lần này, EVN đã được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm.
Cùng với đó, thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng được chỉnh tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm đã lên đến 40% mỗi năm. Đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc.
“Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến nay, mức độ lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm, nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Nếu trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm và Bộ Công Thương được quyết định tăng tối đa 40% mỗi năm là khá cao so với mức biến động giá bình thường”, Trưởng ban Pháp chế VCCI khuyến cáo.
Đại diện VCCI cũng đề nghị, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm có sự tham gia của bên bán điện, bên mua điện và có sự kiểm soát của Nhà nước. Đặc biệt, bên mua điện có thể tham gia vào cơ chế điều chỉnh giá điện tại tất cả các khâu từ tính toán, kiểm tra cho đến kiến nghị, đàm phán phương án điều chỉnh giá điện./.