The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cần Thơ: Cải thiện chất lượng điều hành kinh tế

Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do VCCI thực hiện, TP Cần Thơ xếp hạng 11/63 tỉnh thành với 61,14 điểm, đứng thứ 3 vùng ĐBSCL và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành Tốt. Doanh nghiệp (DN) đánh giá cao sự năng động của chính quyền và cũng đặt nhiều kỳ vọng về chất lượng điều hành kinh tế của lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

Nhiều chỉ số thành phần tăng điểm

Trong số 10.037 DN tham gia điều tra PCI 2016, TP Cần Thơ có 157 DN dân doanh. Trong 10 chỉ số thành phần, Cần Thơ có 7 chỉ số cải thiện so với năm 2015, gồm: gia nhập thị trường tăng 0,47 điểm; tiếp cận đất đai tăng 0,21 điểm; tính minh bạch tăng 0,04 điểm; chi phí thời gian tăng 0,12 điểm; cạnh tranh bình đẳng tăng 0,57 điểm; tính năng động của chính quyền tăng 0,36 điểm và đào tạo lao động tăng 0,36 điểm. Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, đại diện Ban Pháp chế VCCI, những điểm sáng trong cải cách điều hành năm 2016 được DN thành phố ghi nhận là DN gia nhập thị trường dễ dàng hơn; thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai; minh bạch trong tiếp cận đất đai; lãnh đạo chính quyền được đánh giá linh hoạt, sáng tạo hơn trong điều hành; một số chỉ tiêu của môi trường kinh doanh bình đẳng đã có dấu hiệu tốt hơn; chi phí thời gian được rút ngắn; đào tạo lao động có nhiều tín hiệu tích cực… đã góp phần cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của Cần Thơ và đưa Cần Thơ tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng PCI.

Thu mua gạo chế biến xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi sự DN, đổi mới, sáng tạo. Hiện nay, thời gian cấp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, phấn đấu cho đến cuối năm nay giảm còn 2 ngày làm việc. Lãnh đạo thành phố còn tổ chức đối thoại với DN hằng tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Song song đó, các giải pháp thực hiện Nghị quyết 19-2016, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ cũng được các sở, ngành cụ thể hóa bằng các chương trình hành động gắn với cải thiện chỉ số PCI, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố. Nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng, công tác công khai, minh bạch thông tin cho DN rất quan trọng để cải thiện điểm số PCI. Đơn cử như chỉ số tiếp cận đất đai theo kết quả PCI của thành phố năm 2016 đạt 6,22 điểm, tăng 0,21 điểm so với năm 2015 và góp phần tăng chỉ số PAPI về công khai minh bạch thông tin từ hạng 3 lên hạng 1 trong năm 2016.

Còn theo đại diện Cục Thuế TP Cần Thơ, qua cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã cắt giảm thời gian thực hiện được khoảng 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ; đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế, giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho DN khi làm các thủ tục về thuế. Những cải cách của cơ quan thuế được cộng đồng DN ghi nhận, năm 2014, kết quả đánh giá sự hài lòng của DN đối với với cơ quan thuế là 71% và năm 2016 là 75% DN hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế. Với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành thuế đặt ra mục tiêu trong năm 2017 và định hướng đến năm 2020 lĩnh vực thuế cần được thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính. Đến hết năm 2017 phấn đấu đạt được các tiêu chí như: đạt trung bình nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế gồm 3 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế; thời gian kê khai, nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm… Mục tiêu đến năm 2020, thời gian kê khai, nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm. Để đạt được điều này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành, đặc biệt là cán bộ thực thi công vụ.

Còn những trăn trở

Mặc dù Cần Thơ đạt nhiều kết quả tích cực trong cải thiện các chỉ số thành phần, nhưng còn 3 chỉ số giảm điểm gồm: Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ DN và Thiết chế pháp lý. Theo đại diện Ban Pháp chế VCCI, có tới 51% DN chấp nhận "đưa quà" cho cán bộ thanh, kiểm tra, với các lý do như: tạo mối quan hệ với cán bộ (68% DN nhận định), giảm thời gian thanh tra, kiểm tra (59%), giảm số lỗi bị phát hiện (54%), giảm số tiền bị phạt vi phạm (50%) và giảm số tần suất thanh tra kiểm tra (45%). DN càng nhỏ thì phải trả chi phí không chính thức càng cao. Có tới 46% DN không biết tới các chính sách hỗ trợ của thành phố; 50% DN cho rằng thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư rất khó tiếp cận, 66% DN khó tiếp cận thông tin về bản đồ, quy hoạch sử dụng đất, 65% cho biết khó tiếp cận tài liệu ngân sách… Về bảo vệ môi trường, dù chỉ 7% DN đánh giá ô nhiễm môi trường tại thành phố nghiêm trọng nhưng mức độ ảnh hưởng đã ở mức cảnh báo; ngành nông lâm nghiệp là ngành chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ ô nhiễm; 97% DN đồng tình cho rằng chính quyền thành phố không nên phê duyệt các dự án đầu tư mới có thể tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết: "Trách nhiệm cải thiện các chỉ số PCI không riêng về sở, ngành nào mà đòi hỏi tất cả cùng vào cuộc, cùng triển khai các giải pháp và chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách". Kết quả PCI năm 2016, trong 3 chỉ số thành phần giảm điểm, chỉ số chi phí không chính thức của Cần Thơ xếp 53/63 tỉnh thành phố, có đến 60,14% DN cho rằng phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. Đây là vấn đề mà các đại biểu dự hội nghị phân tích chỉ số PCI vừa qua do UBND thành phố tổ chức rất trăn trở. Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL có nhiều thuận lợi và tiềm năng phát triển nhưng chỉ số này kém xa các địa phương trong vùng là vấn đề mà các sở, ngành và quận, huyện cần kiểm tra lại các giải pháp thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua. Cùng đó, chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN xếp thứ 23/63 tỉnh thành; thiết chế pháp lý xếp thứ 12/63 tỉnh thành, có tới 40% DN cho rằng Tòa án các cấp xử các vụ kiện kinh tế còn chậm, có tới 68% DN cho rằng hệ thống pháp luật chưa có cơ chế giúp DN tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ…

Mặc dù còn nhiều hạn chế và trăn trở, nhưng động lực cải thiện PCI 2017 chính là DN đánh giá cao sự năng động, tiên phong của lãnh đạo thành phố. Tỷ lệ DN đáng giá chính quyền thành phố năng động năm 2016 là 82,73% (năm 2015 là 76,77%); tỷ lệ DN cho rằng UDND thành phố năng động trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh nhưng chưa được thực thi ở cấp quận, huyện là 65,91% (năm 2015 là 51,55%)… Tại hội nghị phân tích chỉ số PCI vừa qua, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành phải chủ động vào cuộc với trách nhiệm cao nhất. Cần xây dựng các tổ tư vấn khởi nghiệp DN để hỗ trợ DN một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Chi phí không chính thức của Cần Thơ giảm điểm hẳn, phải coi trách nhiệm của những người thực thi công vụ để điểm danh, chỉ ra những hành vi nhũng nhiễu, những nơi trì trệ, kéo dài thủ tục làm ảnh hưởng đến cạnh tranh, hoạt động của DN để xử lý nghiêm. Công khai thông tin về quy hoạch, chính sách ưu đãi, hỗ trợ… cho DN. Lãnh đạo các sở, ngành phải chịu trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đơn vị mình để có hướng khắc phục, nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.

Gia Bảo

Báo Cần Thơ