The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cần Thơ: DDCI - “Kích hoạt” nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương

Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Cần Thơ xếp hạng 12/63 tỉnh, thành và đứng thứ 2/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Trong đó, có 5/10 chỉ số thành phần giảm điểm gồm gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động. Để cải thiện PCI năm 2022, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, thành phố triển khai Đề án “Khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương (DDCI)”. Đây không chỉ là công cụ quan trọng trong việc cải thiện chỉ số thành phần của PCI mà còn kích hoạt cho những sáng kiến cải cách không ngừng trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố.
Kết quả chưa như kỳ vọng
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2022 là năm đầu tiên thành phố tiến hành khảo sát và đánh giá DDCI. Đề án được thực hiện với phương pháp nghiên cứu và triển khai khoa học, trên cơ sở khảo sát, thu thập phiếu ý kiến cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về năng lực điều hành của các sở, ngành và quận, huyện. Do đó, công bố DDCI sẽ giúp cho lãnh đạo thành phố và cơ sở nhìn lại mình, soi rọi lại kết quả điều hành cũng như sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với các sở, ngành và quận, huyện. Từ đó, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố thông thoáng, thuận lợi và minh bạch.
Báo cáo DDCI của TP Cần Thơ vừa được công bố cho thấy, điểm trung bình DDCI của Cần Thơ tương đối thấp, ở mức độ trung bình 51,7 với các sở/ngành và 55 với các quận/huyện. Qua đánh giá điểm số tổng hợp DDCI của thành phố trong các sở ngành, cao nhất là Sở Công Thương 63,93 điểm, kế đến là Bảo hiểm xã hội với 61,57 điểm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 60,01 điểm. Đây là mức điểm không quá cao so với các tỉnh/thành khác trong cả nước. Ngoài ra, ở cấp sở ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp, Sở Xây dựng có mức điểm thấp nhất với điểm số lần lượt là 45,95 điểm, 44,21 điểm và 41,74 điểm. Ở các quận/huyện, huyện Thới Lai là đơn vị có điểm số cao nhất (71,96 điểm), thấp nhất là quận Bình Thủy (32,27 điểm).
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm Đề án, đánh giá: “Khoảng cách điểm giữa nhóm xếp hạng thấp nhất và cao nhất là tương đối rộng cho thấy sự không đồng đều trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh giữa các đơn vị. Một số chỉ số phụ còn rất thấp dưới mức điểm 5 cho thấy việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đang là thách thức lớn nhìn từ góc độ cảm nhận của doanh nghiệp. Vì vậy, dư địa cải thiện môi trường kinh doanh của thành phố còn lớn, là khoảng trống cần khai thác để tạo ra những chuyển động mới về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo TS Trần Toàn Thắng, để cải thiện DDCI, TP Cần Thơ cần tập trung các giải pháp như giảm thiểu chi phí không chính thức; tăng cường công tác đối thoại và tương tác với doanh nghiệp; minh bạch thông tin và thuận lợi hóa tiếp cận thông tin; tham khảo kinh nghiệm tốt từ các địa phương… “Trong bộ chỉ số DDCI, vai trò người đứng đầu thường có trọng số tương đối cao, ảnh hưởng nhiều đến kết quả chung. Do đó, các sở, ban ngành và quận, huyện cần nâng cao tính năng động và tiên phong, trách nhiệm người đứng đầu gắn với công tác cải cách hành chính, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu hoặc thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ công”.
Giữ vị trí dẫn đầu về DDCI trong nhóm các sở ngành trong năm 2022 là Sở Công Thương TP Cần Thơ. Ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được, năm 2023, ngành Công Thương nhanh chóng hoàn thành các quy hoạch của ngành để tập trung công tác hỗ trợ, kêu gọi đầu tư vào các dự án của ngành để thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp như chợ đầu mối nông thủy sản ĐBSCL, trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ĐBSCL… Đồng thời, ứng dụng số phục vụ quản lý, điều hành, trong đó, tập trung ưu tiên đối với lĩnh vực năng lượng, dữ liệu lưới điện; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát việc cung cấp, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện. Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ kịp thời hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp, nhất là các mặt hàng chủ lực của thành phố; tổ chức khai thác tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để phát triển thị trường mới và kịp thời thông tin các cảnh báo, tháo gỡ rào cản đối với các mặt hàng xuất khẩu.
Về phía các quận, huyện, theo ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, huyện tiếp tục rà soát cắt giảm thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về quy tắc ứng xử cũng như những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm để người dân và doanh nghiệp biết và cùng giám sát quá trình thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đối thoại với doanh nghiệp theo hướng đối thoại phải mang tính cởi mở, thân thiện để thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền, doanh nghiệp…